Nam cực

Kho báu thiên nhiên đang bị tranh giành và hủy hoại

Thông tin về sự biến đổi khí hậu, những tác động tiêu cực của con người lên môi trường đang dấy lên sự lo ngại. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 9-11-2007 thanh sát Nam cực nói cần những biện pháp khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng của tình trạng trái đất ấm dần. Vấn đề không phải bây giờ mới được khơi lên.
Kho báu thiên nhiên đang bị tranh giành và hủy hoại

Thông tin về sự biến đổi khí hậu, những tác động tiêu cực của con người lên môi trường đang dấy lên sự lo ngại. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 9-11-2007 thanh sát Nam cực nói cần những biện pháp khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng của tình trạng trái đất ấm dần. Vấn đề không phải bây giờ mới được khơi lên.

Một hội nghị về băng tan và sự ấm dần lên của trái đất đã được tổ chức tại thành phố Tromsoe của Na Uy nhân ngày Môi trường thế giới 5-6. Tại New Delhi (Ấn Độ) hồi tháng 5 cũng diễn ra hội nghị về nghiên cứu khí hậu ở Nam cực. Bên cạnh chủ đề tan băng, hoạt động nghiên cứu khoa học và cả du lịch đến vùng địa cực đã gây nhiều lo ngại…

Cuộc tranh giành Nam cực

Kho báu thiên nhiên đang bị tranh giành và hủy hoại ảnh 1

Một trạm nghiên cứu của Bỉ tại Nam cực.

Không hẹn mà Bỉ, Anh, Chile, Trung Quốc, Nga mới đây đã lên tiếng sẽ tăng cường nghiên cứu ở Nam cực, có nước bộc lộ ý định tuyên bố chủ quyền ở lục địa băng này. Báo Nước Bỉ tự do số tháng 11-2007 cho biết cuối tháng 10-2007 Bỉ đã đưa người đến Nam cực chuẩn bị lắp đặt trạm nghiên cứu Elizabeth để tiến hành các nghiên cứu, thí nghiệm về Nam cực.

80 container trang thiết bị lắp đặt trạm đã rời cảng Anvers của Bỉ hướng đến Nam cực trên tàu Ivan Paranin. Tàu vận tải cỡ lớn này của Nga đã được Bỉ, Đức, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển thuê trong vòng 3 năm để đảm nhiệm việc tiếp tế cho những trạm nghiên cứu của họ tại vùng cực, như trạm Wasa ở Thụy Điển, Troll ở Na Uy (gần địa điểm Bỉ xây dựng trạm Elizabeth).

Trong khi đó, theo Times ngày 7-11, Trung Quốc chuẩn bị mở rộng hai trạm nghiên cứu và xây dựng thêm một trạm mới tại Nam cực. 189 công nhân xây dựng đã lên đường. Họ sẽ xây dựng thêm một số cơ sở mới, kể cả một trạm quan sát vũ trụ, một trạm radar, bồn chứa dầu và xưởng sửa chữa, nhằm phục vụ cho hai trạm hiện có là Changcheng và Zhongshan. Các nhà thăm dò Trung Quốc cũng sẽ khảo sát đỉnh A, điểm cao nhất Nam cực, để chọn một vị trí xây dựng trạm nghiên cứu thứ ba.

Một số nước như Chile, Argentina và Anh thì đang tranh chấp nhau về chủ quyền nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại Nam cực. Và Chính phủ Anh vừa bày tỏ ý định công bố chủ quyền một phần lãnh thổ châu Nam cực, với diện tích gần 1 triệu km2. Theo Đài Tiếng nói nước Nga tối 7-11, Bộ Ngoại giao Nga đã ngay lập tức nêu rõ Nga phản đối những ý tưởng phân chia châu Nam cực trên cơ sở những tham vọng lãnh thổ đơn phương.

Trước đó, tại cuộc họp tư vấn về Hiệp ước Nam cực lần thứ 30 hồi tháng 5-2007, đềà nghị xây dựng một trạm nghiên cứu mới tại Nam cực của Ấn Độ được thông qua. Địa điểm xây trạm là một mũi đất chưa được đặt tên nằm giữa bán đảo Stornes và Broknes trong khu vực đồi Larsemann ở phía Đông Nam cực. Đây là một dải đất dài không băng hiếm hoi trên lục địa này. Đồng thời Ấn Độ cũng cho mở rộng trạm đã có Maitri, xây dựng một trạm vệ tinh mặt đất ở đây.

Sức hút từ kho báu thiên nhiên

Môi trường hoang sơ của lục địa băng, nhiều nơi chưa có dấu chân người nên nó bảo tồn hầu như nguyên dạng môi trường của trái đất, là kho báu cho nghiên cứu về khí hậu, địa tầng, đời sống hoang dã… Nhưng sâu xa hơn, nó thu hút vì nguồn tài nguyên của mình: chì, vàng, có thể có cả kim cương, than, đồng và các nguồn tài nguyên của nghề cá. Nam cực chứa 30% nước ngọt của thế giới. Điều quan trọng nhất là khu vực này có dầu. Có nhiều tính toán khác nhau về sự giàu có này, nhưng chỉ riêng khu vực Weddel và biển Ross, theo Bộ Năng lượng Mỹ, có 50 tỷ thùng dầu. Trong bối cảnh giới phân tích cảnh báo về cuộc khủng hoảng năng lượng mới sắp đến, thì giá trị của nguồn tài nguyên châu lục này ngày càng tăng lên.

Người ta lo sợ rằng trong khi tiến hành nghiên cứu tại Nam cực để tìm hiểu đời sống hoang dã và khí hậu, các quốc gia đang xây dựng trạm nghiên cứu ở đây cũng nghiên cứu về nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản. Theo Hiệp ước Nam cực năm 1959 không nước nào có chủ quyền với Nam cực, việc khai mỏ bị cấm cho đến 2048. Chính vì vậy nhiều nước muốn tổ chức các trạm nghiên cứu ở Nam cực, một cách xí phần hầu có tiếng nói có trọng lượng khi các nguồn tài nguyên ở lục địa này được cho khai thác. Hiện có khoảng 30 quốc gia đang duy trì trạm nghiên cứu ở Nam cực.

Kho báu thiên nhiên đang bị tranh giành và hủy hoại ảnh 2

Du khách ngắm cảnh tráng lệ của Nam cực.

Việc xây dựng thêm các trạm nghiên cứu đã làm dấy lên các lo ngại về môi trường khi hoạt động của con người làm tổn thương sinh thái Nam cực và môi trường tinh khôi. Sự xuất hiện của các nhà khoa học và đội ngũ người hỗ trợ góp phần gây nên sự hỗn độn cho Nam cực. Chỉ riêng trạm nghiên cứu McMurdo của Mỹ, có số người vào mùa hè là 2.000 người, đã thải ra hơn 1 tấn rác/người mỗi năm, và xả ra 250.000 lít nước thải vào biển Rose mỗi ngày.

Việc xây dựng một con đường băng dài 1.600 km của Mỹ từ trạm của họ đến cực Nam cho những chiếc trực thăng và máy bay của các quốc gia chở hàng cung cấp cho các nhà khoa học của họ đã hủy hoại môi trường hoang dã của Nam cực. Khi Ấn Độ tuyên bố địa điểm xây trạm ở đồi Larsemann cũng có nhiều ý kiến lo ngại các hồ nguyên sơ chứa nhiều động vật biển và tảo của nơi này sẽ bị họ làm nhiễm bẩn.

Du khách - một nguy cơ cho hệ sinh thái mong manh của lục địa băng

Trong khi con số nhà khoa học ở Nam cực chỉ vài ngàn người đã gây lo ngại thì số du khách đến đây lại tăng hàng năm từ 5.000 người năm 1990 đến 37.000 người năm nay, với mùa du lịch bắt đầu từ tháng 11 tới tháng 3. Vẻ đẹp hoang sơ của vùng này lôi kéo du khách đến Nam cực đã tăng 14% với hơn 37.000 khách mùa du lịch mới đây, làm tăng thêm lo ngại về ảnh hưởng môi trường lên vùng hoang sơ lớn cuối cùng của trái đất.

Cuộc họp tham vấn quốc tế về Hiệp ước Nam cực kết thúc ngày 18-5-2007 ở New Delhi cảnh báo rằng sự điều chỉnh thích hợp về du lịch là sống còn để bảo vệ hệ sinh thái mong manh của khu vực này. Biện pháp được nêu ra là không khuyến khích hoặc giảm cấp phép cho các nhà tổ chức du lịch cập tàu chở hơn 500 hành khách; phải bảo đảm bất kỳ tại địa điểm nào, vào bất kỳ thời điểm nào cũng không được có hơn 1 tàu du lịch neo đậu. Số du khách vào bờ mỗi lần không quá 100 người.

(Theo Times of India, Nước Bỉ Ngày nay, Đài Tiếng nói nước Nga)

LỆ THƯ

* Năm 1957 Hiệp ước Nam cực được 12 nước có nhà khoa học hoạt động ở Nam cực ký kết không công nhận chủ quyền hay lãnh thổ trên châu Nam cực của bất cứ quốc gia nào. Cấm các cơ sở quân sự và các vụ thử vũ khí; nghiên cứu khoa học có thể tiếp tục.

* Năm 1959 hiệp ước được 43 nước ký và đến nay đã có 46 nước ký, khẳng định châu Nam cực là lục địa bất khả xâm phạm.

* Các nước đã thiết lập 60 trạm quan sát trên châu lục này.

* Có 7 nước – Argentina, Australia, Anh, Chile, Pháp, Na Uy và New Zealand – chính thức lên tiếng tuyên bố có chủ quyền, tuy nhiên, Hiệp ước về Nam cực đã “đóng băng” tuyên bố của họ.

Tin cùng chuyên mục