Khó bỏ điều kiện kinh doanh vì không Bộ nào muốn bỏ quyền lợi và lợi ích của mình cả ​

Ngày 18-11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo 20 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách. Các ý kiến tại hội thảo cho rằng quyền tự do kinh doanh mới cởi mở ở khía cạnh “kinh doanh cái gì”, còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu vẫn phải xem xét thêm. 
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Luật Doanh nghiệp sau nhiều lần sửa đổi (năm 2005 và 2014) và hiện đang xin ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đã có những cải cách theo hướng tốt hơn, như: quy định cụ thể danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề có điều kiện; bỏ ghi ngành nghề kinh doanh; bỏ yêu cầu bắt buộc có con dấu...

Tuy nhiên, một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như: dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng và một số dịch vụ khác. “Quyền tự do kinh doanh mới cởi mở ở khía cạnh “kinh doanh cái gì”, còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu vẫn phải xem xét thêm”, ông nói.

Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao. Việc giảm chi phí tuân thủ chủ yếu thực hiện theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp để giảm một cách có hệ thống. Đặc biệt, các doanh nghiệp vẫn thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ lợi ích của mình.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho rằng, nếu so sánh thực trạng quản lý doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam với 39 nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dù đã làm, đã nỗ lực nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Chẳng hạn như, mục tiêu sở hữu nhà nước còn chưa rõ ràng, nhất quán; chức năng chủ sở hữu nhà nước chưa tách bạch với chức năng quản lý nhà nước, mặc dù Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã được thành lập; vẫn còn các biểu hiện ưu đãi tiếp cận nguồn lực; chưa đảm bảo quyền của các bên có lợi ích liên quan; thực thi pháp luật về công bố thông tin còn yếu...

“Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần có quy định đổi mới, tăng cường nhân lực và bộ máy của các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cụ thể, cần quy định về quyền tự chủ của hội đồng thành viên doanh nghiệp nhà nước, theo hướng quyết định là thuộc quyền và trách nhiệm cuối cùng của hội đồng thành viên, không phải của cơ quan bên ngoài”, ông nói.

Chú ý tính ổn định của pháp luật về doanh nghiệp nhằm tạo sự thống nhất trong thực hiện, hài hòa với các quy ước quốc tế và tránh lạm quyền – đó là bình luận của Luật sư Nguyễn Quang Hưng. “Để thu hút đầu tư và đảm bảo các cam kết quốc tế về đầu tư, pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư thường phải cam kết với nhà đầu tư nước ngoài khi thay đổi pháp luật thì không gây ảnh hưởng cho nhà đầu tư”, ông Hưng lưu ý.

Liên quan đến việc loại bỏ các điều kiện, giấy phép kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM “than”: “Chúng ta khó bỏ điều kiện kinh doanh, không Bộ nào muốn bỏ quyền lợi và lợi ích của mình cả”.

Chia sẻ nhận định này, TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị: “Hiện nếu muốn sửa đổi Luật nào thì phải trông vào trí tuệ bên ngoài, chứ đừng trông vào các Bộ”.

Tin cùng chuyên mục