Khô hạn gay gắt ở Nam Trung bộ

Chiều qua 14-3, ông Trần Gia Khảm, đại diện Cục Thủy lợi phía Nam (Bộ NN-PTNT) cho biết, một số khu vực có đợt mưa trái mùa, nhưng không giải quyết cơ bản tình hình khô hạn đang diễn ra gay gắt ở vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, nhưng căng thẳng nhất là vùng Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận).

Thời tiết nắng nóng gay gắt càng làm cho việc bốc hơi nước từ các hồ xảy ra nhiều hơn, cộng với nhu cầu sử dụng nước tăng lên, vì vậy, mực nước các hồ chứa ở Đông Nam bộ và Nam Trung bộ giảm xuống khá nhanh. 10 hồ chứa ở tỉnh Ninh Thuận chỉ còn khoảng 10 triệu/52 triệu m3 nước thiết kế. Tổng lượng nước 10 hồ chứa tỉnh Bình Thuận cũng chỉ còn 80 triệu/140 triệu m3 nước.

Nhiều hồ trong tình trạng cạn kiệt như: hồ Cà Dây (Bình Thuận) chỉ cách mực nước chết khoảng 1m, hồ Tân Giang (Ninh Thuận) khoảng 2m, hồ Suối Giai (Bình Phước) dưới 2m… Vì vậy, các hồ chứa tỉnh Ninh Thuận chỉ ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, không cho cây trồng. Trên 380 ha lúa ở huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước (Ninh Thuận) bị khô héo và khoảng 100.000 gia súc thiếu nước uống.

Bình Thuận có 200 ha lúa giai đoạn làm đòng tại Phan Rí Thành (huyện Bắc Bình) bị khô hạn nghiêm trọng. Trên 1.000 ha cây màu đang bị đe dọa, ngành thủy nông Bình Thuận huy động tối đa phương tiện và lực lượng để bơm tưới trên 2.600 ha lúa tại huyện Tánh Linh và Đức Linh. Nhà máy nước Sông Mao, cung cấp nước cho thị trấn Bắc Bình hơn 1 tháng qua phải bơm nước từ lòng hồ Cà Giây, nhưng bị gián đoạn liên tục khi vận hành.

Tính toàn khu vực Nam Trung bộ, đã có khoảng 4 vụ cháy rừng xảy ra. Các hồ chứa ở đây mới chỉ đáp ứng khoảng 20% - 25% nhu cầu của người dân trong vùng, vì vậy, những khu vực ngoài vùng hưởng lợi của các hồ chứa càng gặp khó khăn hơn. Khu vực này có thể bị đe dọa cả nước sinh hoạt vào tháng 6 nếu như tháng 4 và tháng 5 chưa có mưa. 

Đ.N.

Tin cùng chuyên mục