Hà Nội

Khó khăn trong giải pháp tiết kiệm điện

Khó khăn trong giải pháp tiết kiệm điện
  • Tiêu thụ điện tăng ở khu vực sinh hoạt
Khó khăn trong giải pháp tiết kiệm điện ảnh 1

Dãy hàng vải phố Phùng Khắc Khoan, điện thắp sáng ngay cả ban ngày.

Nếu như trước đây sản lượng điện tiêu thụ thường giảm vào những ngày cuối tuần, khi các cơ quan công sở, doanh nghiệp ngừng hoạt động thì nay sản lượng không hề giảm xuống mà có phần nhích tăng. Lý do là hàng loạt các khu chung cư mới đưa vào hoạt động, lượng điện tiêu thụ phục vụ quản trị tòa nhà và nhu cầu chung như thang máy, điện chiếu sáng tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng các trang thiết bị điện trong gia đình tăng cao. Ngày càng có nhiều gia đình sắm sửa ti vi, máy giặt, máy điều hòa  nhiệt độ công suất lớn hơn. Các gia đình có đầy đủ ít nhất 2 chiếc ti vi, dàn máy vi tính, bình nóng lạnh, máy điều hòa, máy hút bụi, hút ẩm… không phải là hiếm. Các loại thiết bị này sẽ hoạt động hết công suất vào ngày nghỉ. Bà Minh Huệ, Phó phòng Tuyên truyền Sở Điện lực Hà Nội, cho biết: “Trong những ngày đầu năm 2007, sản lượng điện tiêu thụ của Công ty Điện lực Hà Nội đã đạt mức tăng trưởng trên 11% và dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ vượt sản lượng nguồn cung khoảng 10 triệu kWh. Điều đáng nói là mức tăng nghiêng hẳn về khu vực tiêu thụ điện cho sinh hoạt”.

Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết, sẽ đảm bảo cung ứng cho thủ đô mức tăng trưởng phụ tải điện 2007 là 8,7% so với năm 2006 nhưng trên thực tế, từ ngay tháng 1 - 2007, mức tăng này đã đạt 16,7% và dự kiến cả năm sẽ là 11%. Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục cảnh báo người dân về việc sử dụng điện không hợp lý, hoặc lãng phí dẫn đến tình trạng lệch cung và cầu. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu điện vào giờ cao điểm vẫn xảy ra thường xuyên. Trong khi đó vào giờ thấp điểm nguồn điện lại dư thừa. 

  • Còn nhiều khách hàng thờ ơ với  giải pháp tiết kiệm điện

Trước yêu cầu giảm 10% sản lượng tiêu thụ điện năm 2007, Công ty Điện lực Hà Nội đã phối hợp cùng các sở, ban ngành của thành phố đẩy mạnh các giải pháp  tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện. Sự tuyên truyền rộng rãi  đã mang lại những chuyển biến khá rõ nét. Nhiều người dân đã có ý thức về việc sử dụng điện tiết kiệm. Bà Nguyễn Ngọc Lợi, ngõ 6 Vạn Phúc (Q.Ba Đình), nói: “Sau một thời gian thực hiện tiết kiệm điện triệt để, ngân sách gia đình cho việc chi dùng điện cũng giảm đáng kể. Nếu như trước đây, mỗi tháng gia đình tôi phải trả trên 500.000 đồng  tiền điện thì tháng này chỉ còn chưa đến 300.000 đồng”.  Bác Nguyễn Văn Nam, cán bộ hưu trí ở tổ 22 phường Giảng Võ thì cho rằng: “Cách tính giá lũy tiến theo lượng điện năng tiêu thụ cũng khiến người dân có ý thức tiết kiệm điện hơn nhưng có lẽ, với mức thu nhập cao của nhiều gia đình hiện nay thì việc tiết kiệm điện hay không phụ thuộc vào ý thức công dân chứ không phải là vấn đề giá cả”.

Rất nhiều khách hàng lớn của ngành điện đã chia sẻ khó khăn bằng cách chạy máy phát điện diesel vào giờ cao điểm, chẳng hạn như khách sạn Vườn Thủ Đô, khách sạn Bảo Sơn, Sofitel Plaza… Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng đang ráo riết thực hiện mục tiêu giảm lượng tiêu thụ điện thì trên thực tế vẫn còn nhiều cơ quan, người tiêu dùng vẫn chưa có ý thức tiết kiệm điện. Nhiều người dân  phản ánh, một số tòa nhà cao tầng trên đường Bà Triệu vẫn giữ nguyên hệ thống đèn chiếu sáng. Tại CLB Mùa Xuân (nằm trong Công viên Thống Nhất) phòng tập thể thao chỉ có hai người tập vẫn sử dụng 20 bóng đèn chiếu sáng. Các sân tennis, các cửa hàng vàng bạc đá quý, hàng vải, số bóng đèn thắp vào ban ngày vẫn không giảm…

Bà Minh Huệ cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết năm nay, việc thiếu điện còn có thể kéo dài. Nếu không có biện pháp thực hiện tiết kiệm kiên quyết, triệt để sẽ dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sản xuất và phát triển kinh tế xã hội của thủ đô”.

VÂN GIANG

Tin cùng chuyên mục