Khó khăn, xin miễn công tác vẫn bị kỷ luật?

* Một đảng ủy viên là phó chủ tịch UBND phường vi phạm khuyết điểm, Đảng ủy cấp trên quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo mà không căn cứ vào đề nghị của đa số đảng viên và cấp ủy phường. Làm như vậy có đúng nguyên tắc, thủ tục không? 

- Điểm 43 Quy định 23-QĐ/TƯ ngày 31-10-2006 của Bộ Chính trị quy định: Chi bộ (gồm chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, hoặc chi bộ trong Đảng bộ bộ phận), Đảng ủy cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đối với đảng viên sinh hoạt trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt Đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).

Đối với các cấp ủy viên các cấp sinh hoạt tại chi bộ và cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý, nếu vi phạm nhiệm vụ do cấp trên giao, phải áp dụng hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên thì chi bộ đề nghị cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Căn cứ quy định trên, chi bộ nơi đảng viên là đảng ủy viên phường, phó chủ tịch UBND phường sinh hoạt, có quyền xem xét, quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo (trừ nhiệm vụ cấp trên giao) và đề nghị cấp lên cấp ủy có thẩm quyền quyết định hình thức kỷ luật cao hơn. Đồng chí đảng ủy viên, phó chủ tịch UBND phường là cán bộ diện Quận ủy, Thị ủy quản lý, nếu vi phạm do cấp trên giao, phải áp dụng hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên thì chi bộ hoặc Đảng ủy phường đề nghị lên Quận ủy, Thị ủy là cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kỷ luật.

Điểm 1, Điều 39 Điều lệ Đảng còn quy định: “Trường hợp cần thiết, cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét, giải quyết”. Vì vậy, việc cấp ủy cấp trên quyết định kỷ luật cảnh cáo đảng viên là cấp ủy viên, phó chủ tịch UBND phường mà không hoàn toàn căn cứ vào đề nghị của cấp dưới là đúng thẩm quyền, không trái quy định Điều lệ Đảng. 

* Một đảng viên khó khăn đột xuất, đề nghị được miễn công tác một thời gian và không nhận công việc do chi bộ phân công. Chi bộ đã xử lý kỷ luật cảnh cáo, đảng viên khiếu nại lên cấp trên và được cấp trên xóa kỷ luật. Làm như vậy có đúng nguyên tắc tổ chức của Đảng hay không? 

- Nhiệm vụ hàng đầu của đảng viên là “phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng” (Điều 2); chi bộ có nhiệm vụ “giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên” (Điều 24, Điều lệ Đảng).

Tuy nhiên, sự phân công, điều động của tổ chức Đảng phải phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường và hoàn cảnh của đảng viên và phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đảng viên hoàn thành nhiệm vụ. Nếu đúng hoàn cảnh gia đình đảng viên gặp nhiều khó khăn hoặc do có khó khăn đột xuất, chi bộ cũng có thể tạm miễn công tác cho đồng chí đó một thời gian và giúp đỡ đồng chí đó khắc phục khó khăn. Chỉ trừ trường hợp đảng viên có điều kiện làm việc mà cố tình không chấp nhận sự phân công của chi bộ thì mới xử lý kỷ luật. 

Trường hợp nêu trên được cấp ủy cấp trên xem xét lại, xóa hình thức kỷ luật cảnh cáo của chi bộ là đúng thẩm quyền được quy định tại Điều 36 Điều lệ Đảng: “Cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên có quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật do cấp dưới quyết định” 

THÙY TRANG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục