Chống buôn lậu xăng dầu ở biên giới

Khó, khổ và kém

Khó, khổ và kém

Hội nghị bàn biện pháp quản lý kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới được tổ chức tại Kiên Giang vào ngày 8-9 đã không đạt hiệu quả như mong muốn. Đại diện 5 địa phương giáp biên giới Tây Nam đều khẳng định nếu chỉ dùng biện pháp hành chính đơn thuần như các bản dự thảo quy chế do Bộ Thương mại đưa ra thì chỉ có người dân là khổ nhất…

  • Khó khi bắt, khổ khi xử lý!
Khó, khổ và kém ảnh 1

Buôn lậu xăng dầu bằng “tàu ngầm” ở tuyến biên giới Tây Nam trong mùa lũ vẫn diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ kể lại câu chuyện ông phải đi xe Honda ôm vào buổi chiều mưa 30-8 vừa rồi (do đường bị kẹt xe vào lúc tan tầm, sử dụng ô tô khó có thể đi nhanh) để kịp đến Đài Truyền hình Việt Nam, đề nghị thông tin ngay bác bỏ tin đồn về việc tăng giá bán lẻ xăng dầu. Sự vội vã của ông thứ trưởng cho thấy tính nhạy cảm của việc xăng tăng giá đối với đời sống xã hội.

Thế nên, dù đã ba lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu (từ đầu năm đến nay) nhưng nhà nước vẫn đang phải bù lỗ giá thành của mặt hàng chiến lược này, nhằm tiếp tục ổn định mặt bằng giá cho người dân. Chỉ đáng tiếc, bên cạnh mặt tích cực, chính sách này lại đang bị các đối tượng buôn lậu xăng dầu lợi dụng để kiếm lợi bất chính.
 
Theo cách nói của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Thịnh, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nạn buôn lậu xăng dầu qua biên giới Tây Nam vẫn sẽ là câu chuyện dài. Qua kiểm tra đột xuất, lực lượng QLTT phát hiện một số cây xăng khu vực biên giới có lượng bán lên tới 600.000 lít/tháng - gấp 10 lần lượng bán của một cây xăng trong nội thị - và khi phân công kiểm soát viên trực tại cây xăng để giám sát việc mua bán thì mỗi ngày lượng xăng dầu bán ra giảm đến 80%.

Số lượng cây xăng quá nhiều trên tuyến biên giới là một điều đáng báo động. Ở Xà Xía (Hà Tiên) chỉ trong vòng 2km đã có đến 3 cây xăng, còn tuyến biên giới dài 100km tại An Giang thì không chỉ có 36 cây xăng đang hoạt động mà nhiều cây xăng mới  xây dựng, đang chờ được cấp phép mở.

Theo Cục Quản lý thị trường, lượng xăng dầu xuất lậu tại 5 tỉnh biên giới Tây Nam có ngày lên đến 500.000 lít, trong đó khoảng 70% là dầu DO. Trong vòng chưa đầy 7 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện, giữ gần 440.000 lít xăng dầu xuất lậu tại 5 tỉnh nhưng con số này được đánh giá là “rất hạn chế” so với số lượng chất lỏng đã “chảy lậu” qua biên giới.

Ngoài những thủ đoạn rất tinh vi, đối tượng buôn lậu còn vô hiệu hóa lực lượng kiểm tra bằng cách thuê người theo dõi để báo động, dùng số đông gây áp lực thậm chí thả chó để xua đuổi. Bắt được hàng lậu đã khó, việc xử lý lại càng khó hơn. Tất cả xăng dầu xuất lậu đều bị đối tượng buôn lậu pha thêm trước khi đưa qua biên giới. Vì vậy, không thể bán lại để tiêu thụ ở thị trường nội địa, còn cứ chứa để đó thì cơ quan chức năng không có kho để lưu giữ an toàn loại tang vật có “họ hàng” với bà hỏa này!

  • Chống buôn lậu chỉ bằng biện pháp hành chính: kém hiệu quả!

Trước tình hình nạn buôn lậu xăng dầu tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, ngày 6-9, Bộ trưởng Bộ Thương mại đã ký quyết định thành lập thêm 5 đội đặc nhiệm kiểm tra xăng dầu tại các tỉnh Long An, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp. Đồng thời, bộ cũng khẩn trương xây dựng để sớm ban hành quy chế kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới và quy chế giám sát hoạt động kinh doanh của hệ thống phân phối xăng dầu.

Theo Thứ trưởng Phan Thế Ruệ, đây là những quy chế buộc phải ban hành do điều kiện đặc thù của một tình hình xảy ra ngoài mong muốn, sẽ gây không ít phiền hà cho người dân khi triển khai thực hiện. Ý kiến đóng góp của 5 địa phương sau đó đã cho thấy sự phiền hà là “quá nhiều” chứ không phải “không ít”.

Chỉ một ví dụ: về quy định cây xăng ở khu vực biên giới “phải bơm trực tiếp vào phương tiện, không được bán vào can, thùng, bịch hoặc các dụng cụ chứa đựng khác”, câu hỏi đặt ra là máy cày dưới ruộng làm sao chạy được lên tận cây xăng hoặc ghe thuyền dưới sông làm sao lái được lên bờ để đổ nhiên liệu?

Rõ ràng, nếu chỉ dùng biện pháp hành chánh thì hiệu quả của công tác chống buôn lậu xăng dầu vừa không cao vừa gây khó khăn cho sản xuất, đời sống của người dân. Thay vào đó, các địa phương đề nghị Bộ Thương mại phải có biện pháp quản lý chặt các doanh nghiệp đầu mối và các tổng đại lý, bởi lẽ nếu những đơn vị này có ý thức, không cung cấp nguồn cho các cây xăng có dấu hiệu buôn lậu thì câu chuyện “chảy máu nhiên liệu” đã không xảy ra.

Nhiều ý kiến cho biết cứ mỗi lần xăng dầu tăng giá là các tổng đại lý trúng bạc tỉ vì đã lấy hàng ồ ạt từ trước đó mấy ngày, trong khi cơ quan quản lý nhà nước thì không hay biết gì! Điều này được Thứ trưởng Phan Thế Ruệ khẳng định: “Tôi biết -có danh sách hẳn hoi -­ vừa rồi, có tổng đại lý được 20 tỉ đồng. Đúng là phải chấn chỉnh đối với hoạt động của các tổng đại lý.

Pha xăng dầu cũng là anh này, bán trọn gói cũng là anh này. Thậm chí, có tổng đại lý ngoài 2 chiếc xe bồn chở xăng dầu đi bán dọc đường thì chẳng có nhà xưởng, cơ sở vật chất gì khác. Tôi hoan nghênh tỉnh Đồng Tháp đã có cách làm tốt khi bỏ hẳn tổng đại lý, chuyển qua thành lập các chi nhánh và quản lý chặt”.

Từ tình hình thực tế, Bộ Thương mại kiến nghị Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức các chuyên án triệt phá những đường dây đầu cơ, buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, cũng đồng tình về việc phải áp dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, biện pháp pháp luật bên cạnh biện pháp hành chính thì mới có thể đạt được hiệu quả trong cuộc chiến chống buôn lậu xăng dầu.

Phong Lan

Tin cùng chuyên mục