Khổ với ATM

Làng đại học Thủ Đức (nằm trên địa bàn huyện Thủ Đức TPHCM và huyện Dĩ An, Bình Dương) có 8 trường đại học với hơn 30.000 sinh viên đang học tập và sinh sống. Do vậy, nhu cầu sử dụng máy rút tiền ATM rất lớn. Hiện tại, 9 máy ATM của 6 ngân hàng đặt tại đây thường xuyên bị quá tải; hàng ngày có rất đông sinh viên phải xếp hàng dài tại các máy ATM để chờ rút tiền, kể cả khi trời trưa hay phải đứng dưới nắng chang chang.

Làng đại học Thủ Đức (nằm trên địa bàn huyện Thủ Đức TPHCM và huyện Dĩ An, Bình Dương) có 8 trường đại học với hơn 30.000 sinh viên đang học tập và sinh sống. Do vậy, nhu cầu sử dụng máy rút tiền ATM rất lớn. Hiện tại, 9 máy ATM của 6 ngân hàng đặt tại đây thường xuyên bị quá tải; hàng ngày có rất đông sinh viên phải xếp hàng dài tại các máy ATM để chờ rút tiền, kể cả khi trời trưa hay phải đứng dưới nắng chang chang.

Hoàng Thị Mai, sinh viên năm 3 Đại học KHXH-NV, bức xúc: “Nhiều lần tôi đi rút tiền do gia đình gửi vào, nhưng cả khu này chỉ có 1 máy của Eximbank nên phải xếp hàng, chen chúc nhau cả giờ mới rút tiền được. Có khi đợi chưa tới lượt mình thì máy đã hết tiền”.

Nguyễn Tấn Đạt, sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế - Luật, than phiền: “Có lần tôi rút tiền tại máy ATM của Techcombank, nhưng không rút được vì máy bị lỗi, đành phải tìm máy ATM của những ngân hàng khác để rút ngoại mạng. Đi bộ khắp làng đại học, đến 5 máy ATM của các ngân hàng khác cũng không rút được tiền vì đông người chờ, thật mệt mỏi nhưng vì cần tiền gấp nên tôi phải đi xe buýt đi nơi khác để rút tiền”.

Còn tại khu Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, tập trung gần 10.000 sinh viên ở 21 dãy nhà, nhưng chỉ có 2 máy rút tiền của DongABank nên việc rút tiền ở đây càng khó khăn hơn. Minh Quân, sinh viên Đại học KHXH-NV, cho biết: “Có những khi máy báo lỗi, mãi nhiều ngày sau mới được ngân hàng khắc phục, nhưng sửa được vài ngày lại tái diễn”.

Chất lượng nhiều máy ATM kém, thường xuyên nuốt thẻ khi đang giao dịch. Mỗi lần bị máy nuốt thẻ, sinh viên rất khổ sở, mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần đến các chi nhánh ngân hàng mới lấy lại được thẻ. Chuyện bị máy ATM trừ tiền khống vẫn hay xảy ra, khiến nhiều sinh viên lo ngại. Tường Vi, sinh viên năm 3 Đại học KHXH-NV, kể lại: “Có lần mình đi rút tiền của gia đình gửi vào, do máy ATM của BIDV bị lỗi nên phải đi rút ngoại mạng ở máy ATM của Techcombank. Khi mình nhập số tiền rút 2 triệu đồng, máy báo giao dịch không thực hiện được, thế nhưng vẫn trừ tiền trong tài khoản. Sau đó mình phải đi báo với ngân hàng để được hoàn trả lại số tiền đã bị trừ khống”.

Rất mong các ngân hàng quan tâm trang bị thêm máy ATM và nâng cấp, sửa chữa các máy ATM ở Làng đại học Thủ Đức, để tạo thuận lợi cho sinh viên và người dân có thể rút tiền dễ dàng hơn.

Phan Anh

Tin cùng chuyên mục