(SGGPO).- Ngày 19-10, tại Đồng Tháp, Bộ GTVT, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) và các nhà thầu phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Cao Lãnh, thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Công. Đây là dự án góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng của khu vực.
Đây là cây cầu thứ 2 (sau cầu Mỹ Thuận) bắc qua sông Tiền. Cầu Cao Lãnh nối TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35km về phía thượng lưu. Dự án có tổng mức đầu tư 145 triệu USD (tương đương 3.038 tỷ đồng), từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài 2.015,7m, gồm phần cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây, có khẩu độ nhịp chính dài 350m, hai nhịp biên mỗi nhịp dài 150m. Trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, có chiều cao 123,4m. Cầu dẫn phía Bắc và phía Nam sử dụng dầm Super-T bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 17 nhịp. Cầu sẽ có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Quy mô mặt cắt ngang cầu (cầu chính và cầu dẫn) là 24,5m.
Tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công dự án là Liên danh tư vấn quốc tế CDM Smith Inc. (Mỹ) - WSP Finland Ltd (Phần Lan) - Yooshin Engineering Corporation (Hàn Quốc). Nhà thầu xây dựng là Liên danh Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Vinaconex E&C (Việt Nam). Dự kiến, sau 43 tháng thi công, cầu Cao Lãnh sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cầu Cao Lãnh kết hợp với cầu Vàm Cống khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp, đánh thức tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời kết nối các tỉnh, thành ĐBSCL, tạo động lực cho liên kết, phát triển bền vững.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ lòng cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Australia, nhà tài trợ ADB đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng cầu Cao Lãnh. Trước đó, Australia cũng là quốc gia viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam xây dựng cầu Mỹ Thuận (nối Vĩnh Long - Cần Thơ) năm 2001.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Tháp cùng các bộ ngành liên quan thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng, thực hiện đúng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chăm lo đời sống người dân trong vùng dự án; đảm bảo an ninh trật tự, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Các đơn vị tư vấn giám sát, thi công cầu Cao Lãnh phối hợp chặt chẽ, đảm bảo thiết kế, an toàn tuyệt đối, hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt. Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ, các địa phương thực hiện việc kiểm soát đúng các quy định của pháp luật.
Tại lễ khởi công, Thượng nghị sĩ Brett Mason, Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại giao Australia, nhấn mạnh, Australia luôn coi trọng hợp tác mọi mặt với Việt Nam và sẽ tiếp tục viện trợ phát triển để thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam.
* Chiều 19-10, Bến Tre đồng loạt khánh thành 10 cầu bê tông trên tỉnh lộ 883 từ huyện Châu Thành đi huyện Bình Đại. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Lễ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Nguyễn Thành Phong… đã đến dự.
10 cầu hoàn thành sẽ giúp nối liền dải cù lao An Hóa của Bến Tre, gồm cầu Việc Giữa (dài 72,04m), Phú Vang (92,38m), Bưng Lớn (83,92m), Tân Định (83,92m), Cống Đá (109,3m), Hai Sáng (109,3m), Cái Mới (72,04m), 30-4 (175,4m), Khém Trên (83,92m), Khém Dưới (83,92m). Riêng cầu 30-4 từ xã Thạnh Phước qua xã Bình Thắng dài nhất: 175,4m. Dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao) với tổng vốn là 763 tỷ đồng. Tất cả cầu đều có tải trọng HL 93 (30 tấn). Tuyến tỉnh lộ 883 nằm trên địa bàn có nhiều sông rạch cắt chẻ nhiều nhất trên 3 dải cù lao Bến Tre.
Bình Đại - Hoàng Hà
>> TPHCM: Thông xe cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Cây Gõ