Khơi dậy những giá trị nhân văn, đạo đức, văn hóa

Diễn đàn “Chữa bệnh vô cảm” tiếp tục tiếp nhận thêm nhiều ý kiến bạn đọc, nhấn mạnh việc khơi dậy những giá trị nhân văn, đạo đức, văn hóa.

Chú trọng giáo dục kỹ năng xử lý tình huống

Một số người không cứu giúp người bị nạn vì tâm lý ngại bị liên lụy, phiền phức, biết đâu lại rước họa vào thân. Cũng có người không cứu giúp người bị nạn vì thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

Khơi dậy những giá trị nhân văn, đạo đức, văn hóa ảnh 1 Hội Chữ thập đỏ quận 8 trang bị tủ sơ cấp cứu miễn phí để người dân có thể kịp thời hỗ trợ người bị nạn. Ảnh: THU HƯỜNG
Một số người phân bua cho hành vi dửng dưng của mình rằng nếu mình không giúp thì cũng có người khác giúp, đó là sự ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm, điều này dẫn đến hiệu ứng tâm lý lây lan và kéo theo hàng loạt người cùng thiếu trách nhiệm. Đặc biệt, ở những nơi đông người, nhất là thành thị, bệnh vô cảm diễn ra càng nhiều bởi tâm lý muốn bảo vệ mình quá mức, dẫn đến họ thường thu mình lại mà không sẵn sàng có hành động hào hiệp với người cần được giúp đỡ.

Hơn nữa, thói quen sẵn sàng giúp đỡ người khác không được giáo dục, rèn luyện một cách bài bản từ nhỏ, nên đến lớn, khi gặp tình huống thì không biết cách xử trí. Ngoài ra, ở nhà trường việc hình thành cho học sinh những kỹ năng xử lý tình huống còn nặng về lý thuyết, nên học sinh cũng chưa biết cách vận dụng vào thực tiễn và gặp lúng túng, không biết xử trí ra sao.

Trước hết, trong mỗi gia đình, cha mẹ phải là những tấm gương sáng cho trẻ về việc chia sẻ giúp đỡ người khác nói chung, người bị nạn nói riêng. Chẳng hạn, khi gặp người bị nạn thì kịp thời kêu gọi người khác cùng đến giúp đỡ, hoặc điện thoại khẩn cấp 115 để nhanh chóng đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất.

Ở nhà trường, bên cạnh những lý thuyết về sự đồng cảm, chia sẻ cũng phải hình thành cho trẻ những kỹ năng thiết thực thông qua các tình huống sát với thực tế, cũng như qua các hoạt động trải nghiệm để giúp hình thành cách ứng xử linh hoạt, nhanh chóng và chính xác trên cơ sở tự giác, tự nguyện.

Để không còn bệnh vô cảm, bàng quan trước nỗi đau của người khác, điều quan trọng là phải giúp mỗi người nhận thức được và nhất là có hành động thiết thực. Tức là họ phải hình thành kỹ năng xử lý thuần thục, nhiệt tình và kỹ năng đó trở thành thói quen, nếp sống của mỗi người Việt.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (Giảng viên tâm lý, Đại học Nguyễn Huệ)

Cần có luật để chữa bệnh vô cảm

Nhằm khuyến khích và bảo vệ người dân cứu giúp người khác, tránh được những rắc rối pháp lý, nhiều nước đã ban hành luật bảo vệ người tốt, miễn trách nhiệm dân sự cho những trường hợp cần cấp thiết cứu giúp người gặp nạn. 

Luật pháp nước ta, Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Theo đó, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp, dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Cùng với việc thực thi nghiêm chỉnh pháp luật đối với người có điều kiện mà không cứu giúp người bị nạn, cũng cần quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng cấp cứu người bị nạn và cách thức xử lý tình huống khẩn cấp để mọi người có thể ra tay cấp cứu. Việc Hội Chữ thập đỏ trang bị các tủ sơ cấp cứu miễn phí phục vụ cộng đồng để người dân có thể sơ cấp cứu hỗ trợ người bị nạn kịp thời là cách làm hay. Cũng nên học tập các nước khác trong việc ban hành luật bảo vệ người tốt để những “hiệp sĩ giữa đời thường” không phải cô đơn, tránh được những vướng mắc pháp luật khi ra tay bảo vệ người bị nạn.

Ông TRẦN THANH PHONG (Phường 1, quận 3, TPHCM)

Giáo dục lòng nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng

Để có một xã hội văn minh, điều quan trọng nhất là ở đó phải có những con người đạo đức, có tấm lòng nhân ái. Muốn vậy, phải vun bồi lòng nhân ái, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội. Trong từng gia đình, các bậc ông bà, cha mẹ cần quan tâm giáo dục con cháu bằng các hành vi ứng xử mẫu mực.

Chữa bệnh vô cảm không phải chỉ là chuyện của mỗi người sống trong cộng đồng, trước hết đó là việc phải làm của các cơ quan công quyền, nhất là những cơ quan bảo vệ và thực thi  pháp luật, ứng phó nhanh khi có trường hợp người dân bị nạn. Cần chú ý tuyên truyền, định hướng nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để toàn xã hội sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng.

Chị HỒ THỊ THANH NGÂN (Quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục