
“Trên hành trình cùng tàu Hòa Bình (Peace Boat) xuyên đại dương, lần nào đặt chân đến TP Đà Nẵng tôi cũng ngỡ ngàng trước vẻ tươi đẹp, yên bình và tình cảm mến khách của người dân. Đây là một bãi biển đẹp, quyến rũ bậc nhất thế giới. Nếu có sự đầu tư, khai thác một cách chuyên nghiệp, tôi tin vùng biển Đà Nẵng sẽ trở thành thiên đường du lịch không chỉ đối với châu Á mà còn mang đẳng cấp thế giới” - Giám đốc tàu Hòa Bình, ông Yoshioka Tatssuya đã nhận xét trong một lần tàu của ông cập cảng Tiên Sa đầu năm 2005.
- Du khách đến từ biển

Với việc đầu tư xây dựng khu du lịch Biển Đông - Sơn Trà, Cty Hải Duy được xem là đơn vị đầu tiên đầu tư vào bán đảo Sơn Trà.
Những ngày đầu xuân Ất Dậu, gần 1.000 du khách quốc tế của tàu Hòa Bình đã đến cảng Tiên Sa - Đà Nẵng, mở màn cho một năm đầy may mắn của hoạt động du lịch biển Đà Nẵng. Các đơn vị lữ hành khai thác tour đón khách bằng đường biển như: Chi nhánh Công ty Tân Hồng tại Đà Nẵng, Saigontourist… trong năm 2005 thường xuyên bận rộn với hoạt động đón khách quốc tế. 19 tàu du lịch quốc tế với hơn 7.500 du khách đến Đà Nẵng; trong đó, tàu Hòa Bình với 2 lần cập cảng Tiên Sa mang theo gần 2.000 du khách.
Ông Phùng Cư, Giám đốc Chi nhánh Công ty Tân Hồng, phấn khởi: “Hoạt động khai thác khách du lịch bằng đường biển rất hiệu quả. Điều này chứng tỏ Đà Nẵng đang phát huy được vị thế, tiềm năng kinh tế biển và quan trọng hơn sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, đủ sức thu hút và giữ chân du khách đến với Đà Nẵng trong thời gian tới”.
Không những thế, những du khách đến với Đà Nẵng cũng hết sức hài lòng về cảnh quan, môi trường nơi đây. Anh Davis Wilson - một du khách Mỹ, cho biết: “Tôi đã đến Đà Nẵng 2 lần và lần nào cũng thấy hấp dẫn. Biển của các bạn quá đẹp. Đặc biệt, từ đây tôi đi thăm những di tích nổi tiếng như: Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng điêu khắc Chăm-pa, ngắm phố cổ Hội An, lăng tẩm cung đình Huế và nhất là được thưởng thức những món ăn miền biển Việt Nam. Thật tuyệt vời!”...
Lượng du khách đến Đà Nẵng trong năm 2005 ước đạt 780.265 lượt người, tăng 20,2% so với năm 2004. Trong đó, có gần 270.000 lượt khách du lịch, tăng 14%; khách nội địa cũng tăng 23,7%.
- “Nàng công chúa” Sơn Trà
Có thể xem bán đảo Sơn Trà – một tuyệt tác của thiên nhiên - là điểm nhấn của du lịch biển Đà Nẵng. Nếu như cách đây chưa đầy 3 năm, nhiều người, kể cả nhà đầu tư đặt chân đến bán đảo Sơn Trà thường ví von: Sơn Trà giống như “nàng công chúa” hãy còn chìm đắm trong giấc ngủ dài. Chàng “hoàng tử” đầu tiên chạm tay đánh thức “nàng công chúa” chính là Công ty cổ phần Hải Duy. Phó Tổng Giám đốc Công ty Hải Duy Cao Văn Thắng, cho biết Sơn Trà là một địa danh nổi tiếng từ rất lâu, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Ý tưởng đầu tư vào đây có từ năm 2002 bằng những đợt khảo sát và đến năm 2004 doanh nghiệp mới thực sự bắt tay vào công việc bằng Dự án Khu du lịch phức hợp bãi Bụt, giá trị trên 300 tỷ đồng.
Ngay sau Hải Duy, rất nhiều nhà đầu tư khác cũng bén duyên tại đây. Điển hình như Công ty cổ phần Sơn Trà với dự án Son Tra Resort & Spa có giá trị đầu tư lên đến 650 tỷ đồng tại khu vực bãi Nam và bãi Con; Dự án của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và Công ty Trường Phúc tại bãi Trẹm; Công ty cổ phần Tiên Sa tại bãi Tiên Sa, Công ty cổ phần Sơn Hải tại bãi Bắc. Đến nay, Sơn Trà đã thu hút tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đây đều là những dự án lớn, tiêu chuẩn năm sao, gắn liền dịch vụ cao cấp như thể thao, sinh thái với khu nghỉ dưỡng...
- Một Bali giữa lòng Đà Nẵng
Tạp chí Forbes - tạp chí uy tín của Mỹ - đã bình chọn bãi biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển quyến rũ, đẹp nhất hành tinh. Đặc biệt, vùng biển Đà Nẵng đã chính thức được Hãng G.M.I Overseas chọn là điểm tổ chức cuộc đua thuyền buồm quốc tế vào dịp Quốc khánh 2-9 năm 2006. Dự kiến, sẽ có khoảng 15 du thuyền cùng 250 - 300 vận động viên và hàng trăm du khách khắp thế giới tụ hội về Đà Nẵng nhân sự kiện này.
Vùng biển Đà Nẵng với hơn 70km bờ biển vừa nằm gần trung tâm thành phố vừa có rừng nguyên sinh, hệ động thực vật phong phú, nước biển trong xanh cùng bãi cát mịn, kín gió. Nhiều nhà đầu tư lẫn du khách không khỏi trầm trồ so sánh bờ biển Đà Nẵng ngang tầm với các khu du lịch biển nổi tiếng như: Bali (Indonesia), Phukhet, Pattaya (Thái Lan)... Quan trọng hơn, bãi biển Đà Nẵng còn rất nguyên sơ.
Cách đây 2 năm, tập đoàn du lịch Magnum đã tổ chức khởi công khu du lịch nghỉ mát cao cấp Las Vegas Beach Club tại bãi biển Ngũ Hành Sơn. Như vậy, từ bãi biển Bắc Mỹ An đến Non Nước, đã có sự hiện diện của 2 khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đạt chuẩn 5 sao là Furama và Las Vegas Beach Club.
Đến đầu tháng 12-2005, Đà Nẵng đã cơ bản hình thành 6 khu du lịch trọng điểm, nhất là các khu vực ven biển với 41 dự án du lịch được cấp phép đầu tư, trong đó, có 8 dự án nước ngoài với tổng 410 triệu USD, 33 dự án trong nước tổng vốn 5.745 tỷ đồng.
Các dự án này tập trung khai thác thế mạnh du lịch ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (23 dự án), ven biển Thuận Phước - Nam Ô (3 dự án) và 15 dự án đầu tư tại khu trung tâm thành phố. Đáng chú ý là nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động như: Khu du lịch Sandy Beach Resort tổng vốn 108 tỷ đồng, khu du lịch biển Đông với tổng vốn trên 300 tỷ đồng. Nhiều dự án cũng đang khẩn trương thi công, đưa vào hoạt động trong năm 2006 như: khách sạn Furama mở rộng, khu du lịch Sơn Trà Spa & Resort Bãi Nam, khách sạn Sông Hàn Riverside…
Tuy nhiên, phía sau những triển vọng trên, sự đồng dạng trong hoạt động du lịch của các địa phương ven biển miền Trung là một hạn chế mà ngày một ngày hai khó có thể khắc phục được. Khách du lịch đến Đà Nẵng hiện nay không thể lưu trú với giá cả “4 - 5 sao” rồi chỉ có… tắm biển. Khách nội địa ít mặn mà, khách quốc tế vẫn còn nghe ngóng những hoạt động hội hè, vui chơi, giải trí đáng “đồng tiền bát gạo”. Nếu không phát triển được các sản phẩm du lịch biển đặc trưng như vậy, thì còn rất lâu “Bali Đà Nẵng” mới trở thành thương hiệu.
NGUYỄN HÙNG