Nơi đầu sóng, ngọn gió
Từ quận 1, chúng tôi di chuyển qua quận 4, quận 7, Nhà Bè và qua phà Bình Khánh, đi tiếp đường Rừng Sác độc đạo dài gần 40 km để tới trung tâm huyện Cần Giờ. Từ đây, đi thuyền khoảng 7km đường biển và xã đảo Thạnh An rộng 13.000 ha hiện ra giữa mênh mông sóng nước. Lộ trình từ trung tâm TPHCM đến đảo khoảng 70km, vừa đi phà, đường bộ và đường biển. Nếu như huyện Cần Giờ là mặt tiền biển, là cửa ngõ của TPHCM, thì xã đảo Thạnh An nằm ở nơi xa nhất TPHCM, nơi đầu sóng ngọn gió.
Thạnh An được thiên nhiên hậu đãi, vừa có rừng, vừa có biển. Gió biển lồng lộng, cây rừng xanh mát và con người Thạnh An cũng chan hòa, hồn hậu, chất phác. Ông Nguyễn Văn Bình (67 tuổi, ngụ ấp Thạnh Hòa) kể, gia đình ông có 5 đời ở xã đảo. Từ ông bà, ba má, đến vợ chồng ông Bình rồi các con và giờ là các cháu. Ai cũng thích không khí, môi trường ở đảo, đặc biệt là không có… trộm!
“Ở đây không có trộm cắp, cướp giật! Xe dựng thoải mái ngoài đường, tối ngủ không cần khóa cửa cũng chẳng mất mát gì!”, ông Bình tự hào. Rồi ông cười rổn rảng: “Chúng tôi cứ thoải mái mà ngủ, không phải lo lắng”! Thạnh An là thế, đến Thạnh An và gặp những con người nơi đây, như thể một phần bình an từ xã đảo đã lan tỏa đến chúng tôi tự lúc nào.
Nhưng xa xôi cách trở, giao thông không thuận tiện là trở ngại khiến Thạnh An bước chậm hơn các xã, thị trấn của Cần Giờ trong phát triển kinh tế - xã hội, chưa nói tới khoảng cách về phát triển với các phường, xã, thị trấn của các quận, huyện ở TPHCM. Toàn xã có hơn 1.130 hộ dân với hơn 4.500 người, gần 20% hộ nghèo và cận nghèo. Người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản gần bờ, quy mô nhỏ lẻ. Một số hộ ở ấp Thiềng Liềng (thuộc xã đảo Thạnh An) có nghề làm muối với từng đồng thu nhập được chắt chiu từ mồ hôi và nắng gió biển cả. Thu nhập bình quân của người dân xã đạt 63,2 triệu đồng/người/năm, bằng 97,4% so với thu nhập bình quân của huyện Cần Giờ.
Từ nay đến năm 2025, Cần Giờ sẽ hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản... để phát triển kinh tế xã đảo Thạnh An. Huyện cũng tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã đảo, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân so với mức bình quân chung của huyện. |
Người dân hưởng lợi
Điều người dân nơi đây mong chờ nhất khi Thạnh An được chính danh là xã đảo đó là đời sống có gì đổi khác, xã đảo có bước phát triển ra sao? Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh An chia sẻ, hiện nay, 100% người dân đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Được công nhận là xã đảo thì sẽ có cơ sở để thực hiện một số chế độ, chính sách, phụ cấp, trợ cấp đối với người đến công tác tại xã đảo.
“Chính sách áp dụng hiện nay rất khó thu hút được nhân sự. Chẳng hạn, một cán bộ không chuyên trách ở Thạnh An cũng chỉ có thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, không khác so với công tác tại các phường, xã, thị trấn khác của TPHCM trong khi đi lại xa xôi vất vả. Hiện nay, xã rất thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ nhưng tuyển hoài vẫn chưa có người, huyện phải cử một thầy ở Phòng GD-ĐT huyện tới xã hỗ trợ”, ông Hiếu cho hay.
Đặc biệt, được công nhận là xã đảo cũng là “cú hích” để Thạnh An được đầu tư, xây dựng, nâng cấp hạ tầng. Người dân rất cần các dự án sớm triển khai, cung cấp các dịch vụ cơ bản về nước sạch, xử lý rác thải, y tế, giao thông… góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nơi xã đảo. Ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay, Thạnh An vẫn chưa có hệ thống đường ống cung cấp nước sạch như đất liền, mà nước được chở bằng sà lan ra đảo.
“TPHCM có dự án xây dựng hệ thống trữ nước sạch tại khu vực trung tâm xã. Có thể làm hầm trữ nước. Song như vậy thì vẫn phải cấp nước theo phương thức cũ là bằng sà lan ra đảo. Để có nước sạch sử dụng ổn định và phát triển bền vững, người dân Thạnh An rất mong muốn có đường ống xuyên biển cấp nước sạch tới xã đảo, như 6 năm trước TPHCM đã có đường điện xuyên biển mang điện lưới quốc gia đến với xã đảo - nơi cuối cùng của TPHCM có điện lưới quốc gia”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Ông cho biết thêm, xã cũng mong muốn có hệ thống xử lý nước thải, rác thải (đốt rác), thay vì phải chở rác thải bằng thuyền về trung tâm Cần Giờ để xử lý. Cùng với đó là các cơ chế giúp người dân chuyển đổi ngành nghề, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn; phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản với du lịch sinh thái…
Ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ cho biết, để phát triển xã đảo, huyện đang xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển Thạnh An. Huyện xác định phát triển xã đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, tập trung triển khai, thi công và hoàn thành các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách ở xã đảo. Với việc công nhận Thạnh An là xã đảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, người dân Thạnh An sẽ được hưởng nhiều cơ chế chính sách cùng các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng chí đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng nghiên cứu, rà soát các chính sách ưu đãi dành cho xã đảo để áp dụng kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân Thạnh An.