Phiên họp lần thứ 60 Đại hội đồng Liên hợp quốc

Khởi điểm đổi mới của LHQ

Khởi điểm đổi mới của LHQ
  • Cùng ngồi lại xem xét...

Ngay trước phiên họp lần thứ 60 của Đại hội đồng LHQ với sự có mặt của 170 nhà lãnh đạo các nước, phiên họp lần thứ 59 Đại hội đồng LHQ ngày 13-9 đã thông qua một thỏa thuận về cải tổ LHQ, về nhân quyền và chống đói nghèo. Đây chỉ là 3 trong số gần 10 mục tiêu mà Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đề xuất trước đây như việc thành lập Hội đồng nhân quyền mới thay thế cho Ủy ban nhân quyền, thành lập hội đồng giữ gìn hòa bình, quy định mới về chống khủng bố, chống diệt chủng…

Khởi điểm đổi mới của LHQ ảnh 1

Ô nhiễm môi trường đang đặt ra nhiều vấn đề đau đầu cho LHQ.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký LHQ Kofi Annan tuyên bố: “Chúng ta không thể đạt được tất cả những gì chúng ta muốn. Với 191 thành viên, thật không dễ dàng để đạt sự nhất trí. Điều quan trọng là chúng ta có thể làm được gì với các đề xuất chúng ta đã chấp thuận. Đó mới chính là bước tiến quan trọng”.

Đây chỉ mới là bước đầu trong tiến trình thảo luận chi tiết sẽ kéo dài trong vài tháng tới. Chủ tịch vừa mãn nhiệm kỳ của Đại hội đồng LHQ Jean Ping (người Gabon) nói: “Hy vọng thỏa thuận vừa được thông qua sẽ là bước ngoặt quan trọng của LHQ”. Các quan chức LHQ cho biết, trong suốt hơn nửa thế kỷ tồn tại, đây là thời điểm quan trọng để các nước cùng ngồi lại xem xét thấu đáo cơ cấu tổ chức của LHQ.

Bên cạnh đó là việc tái xác nhận cam kết xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển bền vững vì sự thịnh vượng toàn cầu. Mặc dù thỏa thuận đã được thông qua, song vẫn có nhiều tiếng nói phản đối. Cuba và Venezuela phản đối thỏa thuận khi cho rằng các nước nghèo chưa thật sự được tham gia vào quá trình thảo luận thỏa thuận này.

  • Nhức nhối vấn đề xóa đói giảm nghèo

Nếu như thỏa thuận nói trên thuộc phạm vi ngắn hạn, thì Mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ mang tính chất dài hạn còn nhiều vấn đề. Kỳ họp lần thứ 60 này, các nhà lãnh đạo các nước sẽ nhìn lại những gì chưa thực hiện được hoặc thực hiện còn rất chậm so với Mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ. Bản xếp hạng 177 nước về chất lượng cuộc sống do Cơ quan phát triển LHQ (UNDP) đưa ra gần đây cho thấy 24 nước đội sổ vẫn là các nước châu Phi.

Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại châu Phi cao hơn 29% so với các nước phát triển. Số người thu nhập bình quân dưới 1 USD/ngày tại châu Phi ở mức 11,5%, cao hơn tỷ lệ của năm 1981. Ngoài ra, các nước SNG và Đông Âu cũng bị tụt hậu so với 15 năm trước.

Khởi điểm đổi mới của LHQ ảnh 2

Tình trạng nghèo đói, một trong những vấn đề bức xúc của nhiều nước.

Một nhà ngoại giao Anh cho rằng các nước giàu hiện nay vẫn chưa sẵn sàng “nhường cơm xẻ áo” cho các nước nghèo. Theo ông, một kế hoạch giảm nghèo cho châu Phi tương tự như kế hoạch Marshall của Mỹ dành cho châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai là không tưởng.

Vì bối cảnh trước đây châu Âu là giới tuyến quan trọng của cuộc chiến tranh lạnh. Ngoài ra, các nước giàu vẫn đang rất lưỡng lự với đề xuất tăng cường viện trợ phát triển cho các nước nghèo với tỷ lệ 0,7% GDP. Mỹ là nước phản đối mạnh mẽ nhất khi mà con số này của họ chỉ ở mức 0,17%. Đã vậy, Đại sứ Mỹ tại LHQ Michael Bolton còn đe dọa sẽ rút khỏi toàn bộ chương trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ.

  • Những diễn biến tích cực về môi trường và phát triển

Trong bức tranh khá xám về tình hình phát triển của thế giới nói trên, người ta cũng thấy một số điểm sáng. Đó chính là động lực thúc đẩy các nước thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Trường hợp Namibia rất đáng chú ý. Nhờ việc bảo tồn tốt động vật hoang dã, Namibia đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, tạo được thêm nhiều công ăn việc làm.

Tại Ấn Độ, do kế hoạch trồng rừng tiến triển tốt nên đã cải thiện được nguồn nước uống, giảm bớt áp lực nhập khẩu nước uống. Việc quản lý đất đai ở Tanzania được cải thiện dẫn đến tăng thu nhập cho người dân. Indonesia với chính sách ngăn chặn săn bắt trái phép đã giúp cải thiện ngành đánh cá của nước này.

Nếu xem khoa học là chìa khóa của sự phát triển thì đã đến lúc LHQ cần khuyến khích các nước đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào khoa học, nhất là tại các nước kém phát triển.

Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách về xã hội-kinh tế Antonio Acampo nhìn nhận: “Khoa học và kỹ thuật giúp chữa nhiều bệnh tật, bảo vệ môi trường, giúp con người thông tin với nhau dễ dàng hơn, làm tăng năng lực để con người nhận ra tiềm năng của mình”. Tuy nhiên, các nước nghèo do thiếu nguồn lực vẫn chưa thể được thụ hưởng những thành tựu khoa học mới. 

VŨ MINH (tổng hợp)

Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ (thông qua tại LHQ năm 2000)

1. Xóa bỏ tình trạng nghèo đói tột cùng

2. Phổ cập giáo dục cấp tiểu học trên toàn cầu.

3. Khuyến khích bình đẳng giới tính và tăng cường quyền lực của phụ nữ

4. Giảm 2/3 tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong.

5. Cải thiện sức khỏe bà mẹ, giảm 3/4 tỷ lệ tử vong ở người mẹ.

6. Ngăn chặn và đẩy lùi các loại dịch bệnh HIV/AIDS, sốt rét và nhiều bệnh khác.

7. Đảm bảo bền vững về môi trường (đưa các nguyên tắc phát triển bền vững vào các chính sách và chương trình quốc gia, giảm thiểu thiệt hại các nguồn tài nguyên môi trường, giảm một nửa tỷ lệ người không có nước uống sạch, cải thiện cuộc sống của ít nhất 100 triệu người tại các khu ổ chuột)

8. Mở rộng quan hệ đối tác toàn cầu, trong đó có chính sách ưu đãi cho các nước nghèo như miễn thuế quan, miễn quota đối với hàng xuất khẩu. Giảm và xóa nợ cho các nước nghèo đồng thời tăng viện trợ phát triển cho các nước nỗ lực giảm nghèo.

Nguồn: www.un.org

Tin cùng chuyên mục