
Hồ tiêu là đặc sản của đảo Phú Quốc (Kiên Giang), không chỉ nổi tiếng trong nước mà được nhiều nơi trên thế giới biết đến. Một thời, cây tiêu là niềm tự hào của người dân trên đảo. Thế nhưng, hiện nay diện tích tiêu bị giảm nghiêm trọng; nhiều vườn tiêu đang bị suy tàn…
- Vàng úa và trơ trọi
Từ thị trấn Dương Đông đi 2 xã Cửa Dương và Dương Tơ, hai bên đường là những vườn tiêu vàng úa, rũ lá. Tại ấp Bến Tràm, có trên 10 vườn tiêu chỉ còn lại những “nọc” trơ trọi, những cây tiêu đã bị chết héo nhiều tháng nay. Lão nông Đặng Văn Tám, 75 tuổi, xót xa nhìn vườn tiêu khô héo: “Đây là lần thứ 4 tôi phá bỏ vườn tiêu. Mỗi lần nhổ nọc tiêu cưa đôi làm củi đốt mà đau lòng. Biết vậy nhưng không cách nào giữ được”.

Phơi tiêu ở Phú Quốc.
Ở ấp Bến Tràm, ông Tám là nông dân cố cựu có thâm niên trong nghề trồng tiêu. Từ năm 1995 về trước, vườn tiêu của ông rộng 10 công. Nhờ có kinh nghiệm và cần cù chăm sóc, bình quân mỗi năm thu nhập từ cây tiêu gần 100 triệu đồng. Đặc biệt, những năm tiêu hút hàng được giá cao, ông Tám trúng đậm. Nhờ đó, ông cất được nhà và mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt gia đình. Bà Trương Thị Tròn (vợ ông Tám) tiếc rẻ: “Nghề trồng tiêu đang ăn nên làm ra, thì nay chết yểu. Khu vườn rộng 10 công nhưng bây giờ chỉ còn 2 công trồng tiêu. Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa cây tiêu sẽ biến mất”.
Xã Cửa Dương là nơi có diện tích trồng tiêu lớn nhất Phú Quốc và cả tỉnh Kiên Giang. Nhiều vườn tiêu ở đây cũng đang suy kiệt. Mấy ngày qua, nhiều hộ đã bỏ vườn vì không còn khả năng chăm sóc. Nhiều nông dân cho biết, vụ tiêu vừa rồi bị ảnh hưởng khô hạn kéo dài, nhiều nơi không đủ nước tưới nên tiêu chết héo. Số còn sống thì năng suất giảm mạnh. Có hộ chỉ thu hoạch được khoảng 30% - 60% so với các vụ trước. Mặt khác giá vật tư như xăng dầu, phân, thuốc… tăng cao, làm chi phí giá thành đội lên. Cùng lúc giá tiêu trên thị trường liên tục rớt: từ 70.000 – 80.000đ/kg, sụt chỉ còn 15.000 – 17.000đ/kg; chưa bằng vốn đầu tư. Từ đó, dân trồng tiêu bị lỗ nặng.
- Cây tiêu: Còn hay mất?
Phú Quốc hiện có 2.420 hộ trồng tiêu, với diện tích khoảng 882 ha, năng suất bình quân đạt 2,4 tấn/ha; sản lượng từ 1.480 – 1.500 tấn/năm. Trước tình hình tiêu rớt giá, nông dân lỗ lã kéo dài, những ngày qua, đã có khoảng 500 hộ bán trên 371 ha đất để trả nợ, trong đó có 77 ha đất chuyên tiêu. Theo phân tích của UBND huyện Phú Quốc và Sở NN-PTNT Kiên Giang, chất lượng tiêu ngày càng giảm và đặc sản tiêu Phú Quốc không còn chiếm ưu thế “một mình - một chợ” như trước đây.
Mặt khác, tình trạng “độc canh” cây tiêu làm cho giá trị kinh tế giảm mạnh, các ngành chức năng lại tỏ ra lúng túng, chưa tìm ra giải pháp giúp người trồng tiêu tháo gỡ khó khăn và tiêu thụ sản phẩm. Ngược lại, giá đất ở Phú Quốc tăng cao, làm cho diện tích đất trồng tiêu sang bán ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc lo lắng: “Thị trường tiêu trong nước và thế giới đang ở giai đoạn bão hòa về số lượng và giá cả. Để cây tiêu tồn tại phải tính đến việc nâng cao chất lượng và giảm chi phí giá thành. Cả 2 việc này, tiêu Phú Quốc đều gặp bất lợi”. Hiện tại, giá thành tiêu ở Phú Quốc rất cao do điều kiện đất đảo phải làm giếng nước, trạm bơm, nọc…
Chất lượng tiêu lại kém, bởi người dân ít đầu tư chăm sóc và thiếu chuyển đổi giống. Từ đó, cho thấy khả năng phục hồi vườn tiêu vô cùng khó khăn. Hiện tại, tổng dư nợ cho vay trồng tiêu đã lên đến 30 tỷ đồng, trong đó trên 4,6 tỷ đồng quá hạn chưa trả được. Theo ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, tỉnh kiên quyết giữ lại diện tích tiêu hiện có để đảm bảo đời sống nông dân và phục vụ du lịch.
Tỉnh đã giao cho Ngân hàng NN-PTNT rà soát lại và gia hạn nợ, miễn phạt nợ quá hạn cho những hộ trồng tiêu chí thú làm ăn đang gặp khó khăn. Xem xét, tiếp tục đầu tư vốn để họ cải tạo phát triển lại vườn tiêu. Tính toán hỗ trợ một phần khó khăn cho nông dân khi giá tiêu quá thấp. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng lại mô hình sản xuất cây - con phù hợp, phá thế độc canh cây tiêu, giúp bà con tăng thu nhập.
Cái khó là nông dân trồng tiêu đã ngán ngẩm, có hộ buông tay chuyển sang trồng cây khác. Nhiều người cho rằng, nếu cứ dừng lại ở giải pháp hành chính; thì hồ tiêu truyền thống của Phú Quốc khó giữ được?!
HUỲNH PHƯỚC LỢI