Khơi thông nội lực cứu doanh nghiệp

Gần 93.500 doanh nghiệp (DN) đã phải rời bỏ thị trường từ đầu năm đến nay, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của DN trong nước. 
Dây chuyền đóng gói trứng thành phẩm tại Công ty cổ phần Ba Huân. Ảnh: CAO THĂNG
Dây chuyền đóng gói trứng thành phẩm tại Công ty cổ phần Ba Huân. Ảnh: CAO THĂNG

Doanh nghiệp nội đuối sức 

Phân tích về tình hình sản xuất của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, tính đến hết tháng 11-2020, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt gần 30 tỷ USD. Ước cả năm, kim ngạch ngành chỉ có thể đạt 35 tỷ USD. 

Có thể thấy, dù vẫn duy trì mức kim ngạch xuất khẩu khá nhưng nhiều DN dệt may nội đã bắt đầu đuối sức. Các DN đã có đơn hàng trở lại nhưng số lượng không nhiều, giá trị gia tăng thấp. Riêng DN sản xuất đồ veston, hầu hết không có đơn hàng sản xuất từ quý 2 đến nay. Một số DN phải sản xuất cầm chừng, chuyển sang làm khẩu trang, đồ bảo hộ. Thế nhưng, gần đây các đơn hàng trên cũng thưa dần do các nước đã kịp chuyển đổi sản xuất, bổ sung nguồn hàng cung ứng bị thiếu cục bộ do nhu cầu sử dụng tăng đột biến ở quý 2 và quý 3. 

Cùng chung tâm trạng trên, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, lo lắng, năm 2020 là năm thực sự khó khăn với DN. Chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM, từ đầu năm đến nay đã có gần 30.000 DN rời bỏ thị trường. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của thành phố vốn luôn duy trì mức tăng trưởng “năm sau cao hơn năm trước”, nhưng với năm 2020 thì ngược lại. Tính 11 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp giảm 4,4% so với cùng kỳ năm. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo có mức giảm sâu nhất với 5,1%. Kế đến ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,5%, cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,4%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), giảm 22,9%…

Điều đáng lo ngại là những khó khăn kinh tế chưa có dấu hiệu chựng lại. Hiện các DN TPHCM nói riêng và cả nước nói chung còn đang đối mặt với nguy cơ nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu bị thiếu hụt và thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp do một số nước là đối tác quan trọng của Việt Nam như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. 

Ở góc độ khác, ông Vũ Đức Giang không khỏi lo lắng khi tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với DN trong nước ngày càng nới rộng ở nhiều ngành hàng. Ví dụ, lĩnh vực dệt may, kim ngạch xuất khẩu của DN dệt may FDI chiếm 65%; 35% còn lại là của DN trong nước. Đối với lĩnh vực da giày và túi xách, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu giữa DN FDI và DN nội lần lượt là hơn 73% và 27%. Đặc biệt, với nhóm ngành hàng điện, điện tử thì kim ngạch xuất khẩu của DN FDI đã đạt hơn 90% của tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khơi thông nội lực cứu doanh nghiệp ảnh 1 Sản xuất thuốc tại Công ty Pharmedic. Ảnh: CAO THĂNG
Đối diện với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại

Càng lo lắng hơn, DN Việt đang đứng trước nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) tại nhiều thị trường xuất khẩu dù kim ngạch xuất khẩu không nhiều.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công thương, cho biết, hiện ước tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng biện pháp PVTM lên đến 12 tỷ USD. DN đang phải đối mặt với hơn 200 vụ kiện PVTM ở tất cả thị trường xuất khẩu. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, DN trong nước đã phải đối mặt gần 40 vụ kiện PVTM, cao hơn gấp đôi so với năm 2019 (chỉ 16 vụ kiện). Gần đây nhất, DN xuất khẩu đệm mút, sợi nhún, dệt may… xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ bị điều tra PVTM. Nếu bị thua kiện, những ngành hàng này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị áp mức thuế tăng thêm 100%-400%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đóng cửa thị trường Hoa Kỳ với các mặt hàng này.

Để có thể giảm sức ép rủi ro cho DN trong bối cảnh thị trường đang có nhiều diễn biến bất thường, theo giới phân tích kinh tế, Chính phủ một mặt phải chọn lọc ngành nghề thu hút đầu tư để giảm áp lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu cho các DN nội. Không ưu tiên thu hút đầu tư những ngành mà trong nước đã làm được. Song song đó, cần triển khai đồng bộ và nhanh những gói giải pháp hỗ trợ DN, bởi cho đến nay, dù đã hơn nửa năm triển khai nhưng nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được gói vốn hỗ trợ.

"Cần công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình giải quyết, trách nhiệm, thời hạn giải quyết các gói hỗ trợ. Mặt khác nên kéo giãn thời hạn nộp thuế, chuyển nợ thuế sang năm 2021 và các năm tiếp theo; tùy thuộc vào tình hình phục hồi kinh tế và sức khỏe của DN, giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng... Cùng đó là phải có hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh các vướng mắc khó khăn của DN khi tiếp cận các gói hỗ trợ này. Chính phủ thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư công, trong đó có thêm tiêu chí ưu tiên cho DN trong nước tham gia đấu thầu, xét chọn"

Ông CHU TIẾN DŨNG,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM

Tin cùng chuyên mục