Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Trưởng ban quản trang Nghĩa trang đồi Lạc Cảnh, cho biết: “Ban quản trang không quy định đóng kinh phí cũng như số tiền bao nhiêu hàng năm, cũng không tiếp nhận trực tiếp kinh phí bồi dưỡng..."
Bà Bình Khánh (ở quận 10, TPHCM) gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh, cuối tuần qua, bà đi viếng mộ người thân ở Nghĩa trang Đồi Lạc Cảnh, trong khi bà đang bày biện mâm lễ cúng, một nhân viên nghĩa trang đã đến gặp và đưa cuốn sổ yêu cầu đóng tiền làm vệ sinh, bảo quản phần mộ.
Cuốn sổ không có đóng dấu của Ban quản trang. Vì vậy, bà Bình Khánh chỉ đưa một số tiền bồi dưỡng nhân viên và không đồng ý đóng góp kinh phí, ghi sổ hay ký tên.
Một số bạn đọc khác cũng phản ánh vụ việc như vậy. Ông Trọng Toại (ở quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: “Bình quân một năm, tôi đến viếng mộ người thân 4 lần. Và, lần nào nhân viên cũng đến yêu cầu đóng tiền. Thấy anh em cực nhọc làm vệ sinh và kéo nước rửa khu mộ, nên tôi có đóng tiền”.
Phóng viên Báo SGGP đã gặp ông Nguyễn Ngọc Tấn, Trưởng ban quản trang Nghĩa trang đồi Lạc Cảnh, xác minh về việc này.
Ông Tấn cho biết: “Ban quản trang không quy định đóng kinh phí cũng như số tiền bao nhiêu hàng năm, cũng không tiếp nhận trực tiếp kinh phí bồi dưỡng. Tùy lòng hảo tâm, thân nhân đến viếng mộ gặp nhân viên có thể đóng góp. Riêng các phần mộ Mẹ Việt Nam anh hùng thì nhân viên không được đưa sổ vận động kinh phí đóng góp; các nhân viên được phân công trực để làm vệ sinh, dọn dẹp. Số tiền thân nhân đóng góp bao nhiêu đều có ghi vào sổ và ký tên, sau đó nhân viên sẽ nộp sổ và tiền về Ban quản trang. Anh em làm việc theo hợp đồng 6 tháng, tiền lương không cao. Số tiền thu được, chúng tôi sẽ chia đều để bồi dưỡng, tăng thu nhập cho anh em”.
ĐOÀN HIỆP