Hong Kong

Không chỉ có Disneyland

Khai trương ngày 12-9-2005, Disneyland Hong Kong là công viên chủ đề mới nhất tại châu Á. Khu du lịch qui mô này gồm một công viên chủ đề, hai khách sạn (Disneyland Hotel và Disney’s Hollywood Hotel), siêu thị, nhà hàng… nằm trên diện tích 1,3 km² thuộc đảo Lantau. Đây chắc chắn sẽ là một trong những điểm thu hút du khách hấp dẫn nhất khu vực. Và Hong Kong không chỉ có Disneyland.
Không chỉ có Disneyland

Khai trương ngày 12-9-2005, Disneyland Hong Kong là công viên chủ đề mới nhất tại châu Á. Khu du lịch qui mô này gồm một công viên chủ đề, hai khách sạn (Disneyland Hotel và Disney’s Hollywood Hotel), siêu thị, nhà hàng… nằm trên diện tích 1,3 km² thuộc đảo Lantau. Đây chắc chắn sẽ là một trong những điểm thu hút du khách hấp dẫn nhất khu vực. Và Hong Kong không chỉ có Disneyland.

Nâng cấp toàn diện công nghiệp du lịch

Công ty mẹ Walt Disney đã đầu tư 316 triệu USD (chiếm 43% cổ phần) trong dự án xây dựng Disneyland Hong Kong trị giá tổng cộng 1,8 tỷ USD (vài tài liệu khác ghi dự án Disneyland Hong Kong lên đến 3,6 tỷ USD). Disneyland Hong Kong có thể đóng góp 148 tỷ đôla HK (19 tỷ USD), tức 6% GDP, cho kinh tế Hong Kong.

Không chỉ có Disneyland ảnh 1

Lâu đài công chúa ngủ trong rừng tại Disneyland Hong Kong.

Dự kiến, Disneyland Hong Kong có thể đón 5 - 6 triệu du khách trong năm đầu tiên, chủ yếu từ Hoa lục và các nước láng giềng. Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) dự báo Disneyland Hong Kong sẽ là một trong những điểm du lịch nóng nhất thế giới trong 15 năm tới (các công viên chủ đề của Walt Disney – California, Florida, Paris và Tokyo – đã thu hút gần 100 triệu du khách năm 2004, theo chuyên san giải trí Amusement Business). Việc xây dựng Disneyland Hong Kong là một trong những mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của chính quyền Hong Kong. Ngay thời điểm hiện tại, Disneyland Hong Kong đã bắt đầu kích thích cơn sốt đầu tư du lịch.

Time cho biết, 18 khách sạn đã và sẽ khai trương trong năm nay, so với chỉ hai khách sạn trong năm 2004. Siêu thị Sogo cũng mở thêm một cửa hàng tại Cửu Long vào đúng thời điểm khai trương Disneyland Hong Kong như một sự đón đầu và nắm bắt thời cơ. Tập đoàn xây dựng Lan Kwai Fong có kế hoạch nâng cấp Công viên Đại dương (thuộc quản lý nhà nước) với chi phí 700 triệu USD.

Cách đây ba năm, chính quyền Hong Kong từng tính đóng cửa khu du lịch này do ngại không cạnh tranh nổi với Disneyland Hong Kong. Tuy nhiên, ban quản lý Công viên Đại dương quyết định nâng cấp khu giải trí (nhập thêm nhiều động vật lạ…). Cùng lúc, cách không xa Disneyland Hong Kong, một tượng Phật khổng lồ (lớn nhất thế giới) cũng được dựng lên. MTR – công ty xe điện ngầm Hong Kong – đang dựng tuyến đường xe cáp lên đến đỉnh đồi nơi có tượng Phật. Giá vé không rẻ: 18,6 USD, cho chuyến tham quan “Hành trình giác ngộ”. Chuyến đi kết thúc tại ngôi làng bán đồ lưu niệm, nơi có rạp hát Tôn Ngộ Không và cuộc triển lãm về cuộc đời Đức Phật.

Với Lantau vốn bình lặng trong cuộc sống thôn dã, tất cả chỉ mới bắt đầu. Chính quyền cũng như nhiều nhà đầu tư đang xây trung tâm hội nghị AsiaWorld - Expo (300 triệu USD) gần Phi trường quốc tế Hong Kong. Ngoài ra, người ta còn có kế hoạch xây loạt khu nghỉ mát, khu thể thao và một công viên chủ đề nữa. Để kéo du khách từ Disneyland Hong Kong đến vịnh Penny ở bờ biển Bắc Lantau, năm 1999, chính quyền Hong Kong đã đồng ý hợp tác trong dự án 417 triệu USD với Disney và một dự án khác trị giá 1,7 tỷ USD cho các hạng mục hạ tầng và giao thông.

  • Gìn giữ yếu tố văn hóa bản địa

Điểm chú mục nhất vẫn là Disneyland Hong Kong. Công ty mẹ Walt Disney đã đem đến Hong Kong 18.000 cây thân gỗ và một triệu cây bụi để trồng tại Disneyland Hong Kong. John Sorenson – một trong những kiến trúc sư chính phụ trách xây dựng cảnh trí cho Disneyland Hong Kong – từng thuê xe đi đến nhiều miền quê tại Nam Trung Quốc và phác thảo thiết kế cũng như tìm kiếm loại cây thích hợp (sau nhiều lần thương lượng, Walt Disney đã bứng nhiều cây cổ thụ khổng lồ trong đó có cây cổ thụ cao 14m hiện trồng tại Adventureland đem về trồng cho công viên).

Tất nhiên Disneyland Hong Kong có những nét truyền thống của Disneyland Mỹ, trong đó có Lâu đài công chúa ngủ trong rừng, khu giải trí mạo hiểm Adventureland với màn trình diễn của Vua Sư tử… Dù vậy, yếu tố văn hóa bản địa rất được quan tâm. Có nhiều mô hình cũng như dấu ấn văn hóa Trung Quốc tại Disneyland Hong Kong. Walt Disney từng học được nhiều kinh nghiệm khi mở công viên chủ đề tại các địa điểm ngoài nước Mỹ.

Không chỉ có Disneyland ảnh 2

Đại diện chính quyền Hong Kong và Walt Disney trong lễ ký hợp tác khai thác Disneyland Hong Kong.

Năm 1992, khi khai trương Euro Disney (hiện được đổi thành Disneyland Paris), người ta chủ trương không bán rượu và điều này khiến truyền thống Pháp bị đụng chạm. Tại Trung Quốc, Walt Disney cũng từng nếm không ít thất bại cho chiến thuật mở rộng thị trường. Năm 1996, Chính phủ Trung Quốc đã cấm tất cả phim Walt Disney bởi Disney ủng hộ bộ phim Kundun của đạo diễn Martin Scorsese (nói về Dalai Lama và Tây Tạng). Phim hoạt hình Mộc Lan của Walt Disney dù thành công tại thị trường phương Tây cũng từng thất bại tại Trung Quốc do nó bị Tây hóa. Do vậy, Walt Disney đã làm việc ngày đêm với đối tác Hong Kong để tránh sai phạm văn hóa.

Tại Disneyland Hong Kong, không chỉ có chuột Mickey mà cả Mộc Lan. Nhà hàng Disneyland Hong Kong cũng tập trung vào các món ăn châu Á, từ cà-ri Ấn Độ đến sushi Nhật Bản. Walt Disney thậm chí chiều ý đối tác Hong Kong khi cho rước thầy phong thủy khi xây nhiều hạng mục quan trọng (chính người này đã chọn ngày 12-9 để khai trương)...

Cần nói thêm, số du khách Hoa lục sang Hong Kong đã tăng 44% vào năm 2004, lên khoảng 12,24 triệu lượt người. Du khách Hoa lục chiếm 12% trong tổng doanh số bán lẻ tại Hong Kong, tăng 5% so với năm 2000 – theo khảo sát của Goldman, Sachs & Co. Trong khi đó, Hong Kong vẫn duy trì thế đứng là trung tâm dịch vụ tài chính của Hoa lục. Ngân hàng đầu tư, công ty luật và công ty kiểm toán tiếp tục vã mồ hôi phục vụ khách hàng Trung Quốc đại lục.

Và Hong Kong vẫn là điểm đến an toàn cho các công ty Trung Quốc tìm kiếm vốn đầu tư, bằng hình thức bán cổ phiếu. Năm 2004, 44 công ty Trung Quốc đã có tên trong danh sách thị trường chứng khoán Hong Kong, thu được nguồn vốn trị giá 9,76 tỷ USD. Với nhiều ưu thế, một Hong Kong trở thành trung tâm du lịch châu Á như tham vọng của chính quyền nơi này là điều hoàn toàn có khả năng thành hiện thực.

Thảo Lê
 

Tin cùng chuyên mục