Không chỉ là chống ma túy?

Bầu không khí căng thẳng đang bao trùm Costa Rica sau khi Quốc hội nước này vừa thông qua thỏa thuận giữa chính phủ 2 nước Costa Rica-Mỹ, cho phép Mỹ từ tháng 7 đến 12-2010, quân đội Mỹ sẽ đưa đến Costa Rica khoảng 7.000 lính, 46 tàu chiến các loại, 200 máy bay trực thăng, 10 máy bay loại Harrier và 2 tàu ngầm, với lý do để tăng cường cho cuộc chiến chống ma túy trong khu vực.

Đại đa số các đảng đối lập và tổ chức quần chúng tại quốc gia Trung Mỹ phản đối quyết liệt thỏa thuận trên; nhìn nhận việc quốc hội phê chuẩn hiệp định song phương là hành động vi hiến và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia, thậm chí còn trở thành mối đe dọa đối với an ninh khu vực.

Nghị sĩ đảng Thống nhất xã hội Cơ đốc giáo, cựu Bộ trưởng An ninh Costa Rica, Luis Fishman, cho biết từ năm 1948, Costa Rica đã bãi bỏ quân đội, chỉ sử dụng cảnh sát làm công cụ bảo vệ an ninh quốc gia. Vì vậy, theo ông Fishman, không nên vì hiệp định song phương về lĩnh vực ma túy mà nước này cho phép Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Honduras Manuel Zelaya cho rằng việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Trung Mỹ trong bối cảnh tình hình chính trị khu vực căng thẳng vì mục đích sâu xa hơn, chứ không đơn thuần phòng chống ma túy. Theo ông Zelaya, phòng chống ma túy không cần thiết phải sử dụng tới 7 căn cứ tại Colombia, 20.000 lính tại Haiti, 11 cơ sở tại Panama và bây giờ là số lượng quân lính và phương tiện quân sự lớn tại Costa Rica.

Không chỉ ông M.Zelaya mới đặt dấu hỏi về động cơ của Mỹ trong việc đưa quân đến Costa Rica. Rất nhiều nhà phân tích nhận định rằng mục đích tăng cường sức mạnh quân sự tại quốc gia Trung Mỹ lần này dường như chỉ để đảm bảo những lợi ích của Mỹ “đang bị đe dọa” trong khu vực. Trong thời gian qua, Mỹ phải đối mặt với làn sóng bài Mỹ mạnh mẽ từ các quốc gia Nam Mỹ từng một thời là sân sau của nước này với “ngọn cờ cánh tả” Venezuela.

Việc Venezuela đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia Trung Mỹ như Nicaragua trong các lĩnh vực năng lượng, an ninh lương thực thời gian gần đây khiến Mỹ không yên. Costa Rica cách Venezuela không xa và câu hỏi đầu tiên đặt ra ở đây phải chăng Mỹ gửi quân đến Costa Rica để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Venezuela, không để cái hơi hướng đả kích Mỹ thâm nhập vào quốc gia Trung Mỹ này?

Dư luận băn khoăn rằng liệu Mỹ đưa quân là để tăng cường cho cuộc chiến chống hàng trắng hay tăng cường sức ép, dọn đường cho các tập đoàn dầu khí của Mỹ khai thác vàng đen? Vào thời điểm này, rất nhiều các tờ báo mạng ngập tràn những ý kiến của người dân Costa Rica phản đối sự có mặt của quân đội Mỹ.

Đã bao năm qua Costa Rica yên bình không cần đến quân đội. Nhưng giờ đây những tàu chiến, binh lính của một quốc gia khác lại ùn ùn xuất hiện khiến người dân của xứ sở mang tên “Bờ biển giàu có” sống trong cảm giác lo sợ vì họ nhìn rõ bài học từ đảo Okinawa của Nhật Bản bên kia Thái Bình Dương. 

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục