Không có giải pháp nhiệm màu ở Cancun

Trong khi Hội nghị biến đổi khí hậu LHQ đang diễn ra tại Cung điện Hằng Nga ở thành phố Cancun (Mexico), bên bờ biển Caribe, tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam, có trụ sở chính tại London (Anh) đã ném một chiếc chai xuống biển với lời kêu gọi “Khẩn cấp: Hãy cứu lấy các tính mạng tại Cancun”.

Năm 2010 có lẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay, với việc nhiệt độ đại dương tăng mạnh khiến cho san hô nhiệt đới bị chết lên đến mức kỷ lục, nạn nắng nóng dữ dội hoành hành ở Nga, còn Pakistan phải hứng chịu các trận lũ lụt lớn… Thông điệp trên không phải là “tiếng kêu cứu” duy nhất được gửi đến 2.500 đại biểu đến từ 194 nước tham dự hội nghị. Tuy nhiên, hình ảnh một cái chai với lời kêu gọi mang tín hiệu S.O.S bỗng trở nên lạc lõng và trơ trọi ngay khi hội nghị được mở màn.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Felipe Calderon đã cảnh báo rằng “không nên quá mong đợi vào những quyết định toàn cầu và sự đột phá tại hội nghị lần này”. Mặc dù mục tiêu của hội nghị nhằm tìm kiếm những tiến bộ trong việc đưa ra thỏa thuận cụ thể để đối phó với hiện tượng ấm lên của Trái đất, nhưng nhận định của nhà lãnh đạo Mexico càng cho thấy cơ hội để đạt được một hiệp ước ràng buộc về pháp lý để thay thế Nghị định thư Kyoto càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Tiết lộ mới đây của tờ New York Times đã làm vụt tắt những hy vọng về một môi trường trong lành khi tờ báo này cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn trong vòng bế tắc, nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước giàu và những nước thải khí ô nhiễm hàng đầu thế giới, dường như họ đang hy sinh mục tiêu lâu dài về một môi trường trong sạch toàn cầu mà giành giật lấy những lợi ích kinh tế trước mắt.

Bằng chứng là ngành kinh doanh than đang dần tìm lại thời hoàng kim của những năm 90. Tại các cảng biển ở Mỹ, Canada, Australia, Indonesia, Colombia và Nam Phi, tàu xếp hàng “ăn” than để đưa đi tiêu thụ gần như làm việc ngày đêm. Vẫn biết rằng một số ngành công nghiệp khai thác mỏ đang mang lại lợi nhuận và tạo ra nhiều việc làm nhưng cân bằng giữa lợi ích môi trường và lợi ích kinh tế do ngành công nghiệp khai thác mỏ mang lại là điều mà các quốc gia chưa tính đến một cách nghiêm túc.

Hiệp ước Copenhagen năm ngoái có quá nhiều lỗ hổng khiến các nước có thể vừa tuyên bố đã giữ lời hứa, vừa tiếp tục tăng lượng khí thải CO2. Mục tiêu chung nhằm đối phó với những nguy cơ mà biến đổi khí hậu gây ra đã bị trệch hướng khi các cuộc đàm phán xem ra chỉ liên quan đến vấn đề thương mại, vì nền kinh tế thế giới vẫn chưa thật sự thoát khỏi khủng hoảng.

Còn tại hội nghị Cancun năm nay, may mắn lắm thì những vấn đề như trồng rừng, hỗ trợ tài chính để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu, các cam kết giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ tiếp tục được thảo luận... Tuy nhiên, nếu không có biện pháp ngăn chặn khí thải CO2, trong tương lai, GDP toàn thế giới sẽ giảm từ 5% đến 15% mỗi năm.

Nếu không đạt được sự hỗ trợ tài chính và chuyển giao “công nghệ sạch” cho các nước thế giới thứ 3, nếu các bên tham gia cố đùn đẩy việc ký kết một thỏa thuận mang tính ràng buộc… đến hội nghị lần sau ở Nam Phi, thì bên bờ biển Caribe, sẽ lại tạo ra nỗi thất vọng như hội nghị Copenhagen năm ngoái.

Xuân Hạnh

Tin cùng chuyên mục