Tôi còn nhớ như in không khí của của ngày 30-4-1975. Cùng với niềm vui giải phóng là những trăn trở trong người dân. Nhiều người sợ sự trả thù. Đó là hệ quả của bộ máy tâm lý chiến mà kẻ địch đã rêu rao suốt ngày về việc Việt cộng vào sẽ biến thành biển máu. Nhưng sự thật là không có “biển máu” nào. Sau giải phóng, chúng ta đã có một bầu không khí hòa hợp, hòa giải và cho tới tận bây giờ. Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai - đó là con đường thênh thang hòa hợp dân tộc.
1. Nhớ lại những ngày tháng 3-1975, người dân đâu đâu cũng náo nức vì làng quê của mình được giải phóng. Nhưng sự thật là ai cũng có tâm lý hồi hộp và chờ đợi. Ngày đó tôi được giao nhiệm vụ về Hội An, sau đó là ra Đà Nẵng để tiếp quản cùng chính quyền non trẻ và ổn định đời sống nhân dân. Sau 6 năm xa nhà biệt tin nay được trở về quê hương, tôi bí mật gửi một tấm ảnh nhỏ với mấy dòng chữ, nhờ một người đi chợ mang về quê cho ông nội. Ra gặp tôi, ông nói giải phóng rồi nhưng người dân vẫn vừa tin vừa đề phòng. Ông nói khẽ bên tai tôi rằng ông sợ chém giết, sợ cảnh tang thương sẽ xảy đến, nhất là với những thành phần là ác ôn trong những khu dồn dân lập ấp chiến lược, những tên tay sai khét tiếng độc ác của bộ máy ngụy quân. Tôi nhớ đã kịp trấn an với ông rằng, chính quyền tự quản sẽ giữ gìn trật tự, sẽ bảo vệ cho mọi người dân.
Kiều bào vui mừng họp mặt mừng Xuân Ất Mùi tại TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đúng 1 tháng sau ngày tôi gặp ông nội, Sài Gòn được giải phóng. Tôi được thưởng phép về thăm nhà ở xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đó là lúc tôi có điều kiện để chứng kiến làng quê sau ngày giải phóng. Trái với nỗi lo sợ về sự chém giết, trả thù, người dân khắp nơi hối hả bắt tay vào việc dựng lại đống đổ nát sau chiến tranh, không một ai bị trả thù, không cảnh trả thù đẫm máu như nhiều người lo sợ. Sự thật là nhiều người “có tội” nhưng không bị trả thù. Hồi đó ở quê tôi có một chị du kích tên Muôn, về sau không rõ động cơ gì đã phản bội lại tổ chức. Toàn bộ 6 xã vùng sâu của huyện Thăng Bình bị chiếm hết, cán bộ du kích bật hết khỏi địa bàn, chỉ còn một chỗ ẩn náu khá an toàn là một bàu sen. Mọi người phải xuống đó đội lá sen để thở. Trong lúc này, chị Muôn báo cho địch mang xe tăng đến, cứ có động tĩnh là bắn, ngày cũng như đêm, bắn cho đến khi không còn một ai sống sót. Cả bàu sen nhuộm máu đỏ, tang thương vô cùng. Cho nên sau giải phóng, chị Muôn sống trong sợ hãi tột bậc vì thấy mình tội ác chất chồng. Nhưng rốt cuộc, chẳng có ai tìm đến đòi “nợ máu” với chị ấy ngoài việc chị phải đi học tập cải tạo một thời gian ngắn. 40 năm trôi qua, chị Muôn hiện vẫn còn sống mạnh khỏe ở quê tôi.
2. Những câu chuyện đó là minh chứng cho thấy, sau ngày giải phóng mọi người chân thành cởi mở và bắt tay vào công cuộc lao động. Thực tế đó khác xa với những gì mà bộ máy tâm lý chiến của địch tuyên truyền trong dân chúng vào thời điểm năm 1975.
Đó cũng là nhờ ta làm rất tốt công tác tuyên truyền. Tất cả cơ quan dân-chính-đảng đều có nhiều cuộc gặp gỡ từng hộ gia đình, vận động các tầng lớp nhân dân để nói rõ quan điểm của cách mạng là hòa giải, hòa hợp dân tộc ngay từ ngày đầu, giờ đầu giải phóng. Thực ra hồi đó, mọi cán bộ chúng tôi hay là bộ đội giải phóng đều được học tập chuẩn bị cho giờ phút tấn công và nổi dậy. Nhưng ngay cả bản thân từng người chúng tôi vẫn có những e dè riêng, sợ xảy ra điều bất trắc, nhất là trong vùng bị chiếm đóng lâu ngày với sự tác động của bộ máy tâm lý chiến của địch. Nhưng sự thật là, lúc đó nhân dân rất tin tưởng chính quyền cách mạng, nên dù có những đoàn người di tản khá hỗn loạn mà trật tự vẫn được lập lại nhanh chóng. Người dân cùng bộ đội đã nhanh chóng dọn dẹp những đống đổ nát, thông những con kênh, dòng nước. Và rất ngạc nhiên, chỉ sau mấy tháng, màu xanh đã trở lại trên những cánh đồng trước phong trào rủ nhau khai hoang phục hóa làm thủy lợi, trả lại màu xanh cho đồng ruộng. Dường như ai cũng cố làm một việc gì đó để bù đắp lại sự mất mát qua cuộc chiến lâu dài thương đau và nghiệt ngã.
Một tướng lĩnh quân đội giải phóng từng nói với người chiến tuyến bên kia khi họ đầu hàng: “Trong cuộc chiến này, người Việt Nam chúng ta không ai là người thắng, không ai là người thua cuộc. Chỉ có giặc ngoại xâm mới là kẻ thua trận, mới là kẻ thua đau”. Đó chính là tinh thần bao dung của người Việt Nam chúng ta: lúc chiến tranh thì hai chiến tuyến, lúc đã hòa bình thì bỏ qua hận thù, đối xử với nhau rất độ lượng.
3. Ai cũng thấy trong cuộc chiến tranh tương tàn, có những người không có lý tưởng tình cờ bị bắt quân dịch, làm lính bảo an hay trong trận càn quét nào đó đã rơi vào tay của Mỹ ngụy, bị bắt làm bia đỡ đạn… Họ chẳng qua là bị hoàn cảnh xô đẩy.
Vì vậy, hòa hợp dân tộc là điều phù hợp trong điều kiện một đất nước có chiến tranh mà sự nhận thức không phải ai cũng giống nhau. Chúng ta đã làm việc đó ngay từ ngày đầu, giờ đầu giải phóng và đã vượt qua rồi. Các giai đoạn tiếp nối gần đây hầu như đã được định đoạt trong nhận thức của mọi người chứ không chỉ ở đường lối. Hòa hợp hòa giải dân tộc đã trở thành tiếng gọi của lương tâm. Nó không chỉ là sự đợi chờ chính sách, đó là sự thúc giục từ chính lương tâm mỗi người Việt Nam để từ đó, chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Cách mạng luôn luôn trao cho mọi người cả nhận thức và mong muốn khép lại quá khứ và hướng tới tương lai. Đó cũng chính là tinh thần của tất cả mọi người đã thực hiện chứ không phải là sự cổ vũ, hô hào.
4. Nhiều năm qua, tham gia công tác mặt trận, tôi đã nhiều lần có các cuộc tiếp xúc với đồng bào ta ở nước ngoài. Trong số họ có nhiều người từng tham gia chính quyền cũ. Rất nhiều người như ông Trần Bá Phúc ở Australia (bây giờ là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đã từng cầm cờ ba que tới Đại sứ quán để chống cộng quyết liệt, nhưng giờ lại là người rất xuất sắc trong việc vận động kiều bào ủng hộ đất nước. Có những người trước đây rất bất mãn, vì lý do này khác hoặc vì chính sách thực hiện không tới nơi tới chốn thì bây giờ đều đã thay đổi. Họ đã gạt đi những gì là cá nhân vị kỷ, họ được giải thoát. Chính sự nghiệp đổi mới của chúng ta đã thuyết phục họ một cách sâu sắc nhất. Đó chính là sự tự nhận thức.
Sự thật, nhiều đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là những người ngoài 50 tuổi thường bắt đầu quay về quê hương. Tuổi thành niên thì bôn ba. Nhưng có tuổi là tìm về đất mẹ. Hiện nay Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách từ nhà ở, đất đai đến kinh doanh đầu tư cho kiều bào... Tất cả những cái đó chính là phản ánh sự hoà hợp dân tộc. Không chỉ đơn giản là chuyện làm ăn, mà chiều sâu của nó chính là sự hòa giải, hòa hợp dân tộc, là mở ra cơ hội đều là người Việt Nam cũng có cơ hội xây dựng đất nước.
Tháng 3-1975, khi ở trên núi xuống tiếp quản đô thị Đà Nẵng, trong đoàn đi có một vị hòa thượng. Ông nói một câu, “Sài Gòn cũng sắp đến ngày giải phóng, bầu không khí thanh tâm an lạc sẽ mau mau đến với đồng bào”. Ngẫm lại, tôi thấy ông nói rất đúng. Từ ngày ấy đến bây giờ hai thế hệ thanh niên sinh ra và trưởng thành. Sau 40 năm, hai thế hệ thanh niên đó cùng với đồng bào cả nước đã góp phần viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc. Thiết nghĩ rằng con đường mới thênh thang và rộng dài không còn lối nào cho định kiến hẹp hòi. Sự hòa giải hòa hợp dân tộc là một tất yếu lịch sử.
Năm nay chúng ta kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi tin mọi người Việt Nam - dù ở trong nước hay kiều bào sống xa Tổ quốc đều nghĩ mình là máu đỏ da vàng, chung một cội nguồn, chung một con đường xây dựng. Tâm trí của họ chỉ mong muốn làm sao dân giàu, nước mạnh phồn vinh giống như Bác Hồ mong muốn.
Vũ Trọng Kim (Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)