Không để khủng hoảng về năng lượng, tập trung khai thác hết công suất có thể về dầu, khí, than

Các ý kiến tại cuộc họp khẳng định chúng ta có đủ tiềm lực, điều kiện, nền tảng, giải pháp để bảo đảm cân đối lớn về điện, năng lượng, vấn đề là công tác điều hành, phối hợp, điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả, phù hợp trong từng giai đoạn.
Cuộc họp về tình hình cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng. Ảnh: VIẾT CHUNG
Cuộc họp về tình hình cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Các ý kiến tại cuộc họp khẳng định chúng ta có đủ tiềm lực, điều kiện, nền tảng, giải pháp để bảo đảm cân đối lớn về điện, năng lượng, vấn đề là công tác điều hành, phối hợp, điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả, phù hợp trong từng giai đoạn. Về tổng thể, chúng ta không thiếu điện nhưng có thể thiếu điện cục bộ ở một số thời điểm. Nếu khắc phục được các hạn chế, bất cập, tổ chức thực hiện công việc tốt hơn, chủ động hơn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các chủ thể thì chúng ta không thể thiếu điện, kể cả thiếu điện cục bộ. Điều này đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa của các cơ quan, doanh nghiệp và Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, báo cáo, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc, các chỉ đạo, điều hành về nội dung này. Thủ tướng nêu rõ, ngay từ cuối tháng 12-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành công điện số 1813/CĐ-TTg về việc dự báo nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, việc triển khai công điện này còn có những hạn chế. Thời gian vừa qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, phân phối điện, việc cung ứng than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng chịu những tác động khách quan do tình hình dịch bệnh; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên thế giới, giá cước vận tải tăng cao; nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế đòi hỏi tăng sản lượng điện; tác động từ xung đột tại Ukraine… 

Về nguyên nhân chủ quan, công tác tổ chức thực hiện, điều hành, phối hợp giữa các chủ thể có liên quan (các bộ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, các doanh nghiệp) còn chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Việc dự báo, xây dựng các kế hoạch về sản lượng, tiến độ, nhu cầu… năng lượng còn chưa sát tình hình và chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi, nhất là sản lượng, giá điện, than, khí. Cùng với đó, quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra còn có những vướng mắc về quy định, chưa được kịp thời điều chỉnh để thực sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Không để khủng hoảng về năng lượng, tập trung khai thác hết công suất có thể về dầu, khí, than ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về tình hình sắp tới, Thủ tướng nêu rõ để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6% đến 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội, trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động từ tình hình phức tạp bên ngoài, việc bảo đảm cân đối lớn về năng lượng là hết sức quan trọng. Các cơ quan, chủ thể liên quan phải bám sát, dự báo tốt tình hình, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sứ mệnh được giao.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu là phải bảo đảm cân đối lớn về điện và năng lượng một cách bền vững, không để khủng hoảng về năng lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, bảo đảm giá hợp lý, kiểm soát giá phù hợp, không gây tác động tiêu cực tới lạm phát và các cân đối lớn về xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách… Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm phải thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng cường tính tự chủ, tự lực tự cường của ngành điện, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, giảm nhập khẩu. Muốn vậy, phải vừa có giải pháp trước mắt, tình thế, vừa có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Cụ thể, trong ngắn hạn, Thủ tướng yêu cầu tập trung khai thác hết công suất có thể về dầu, khí, than; tiếp tục điều chỉnh nguồn điện phù hợp với những nơi có thể thiếu. Việc nhập khẩu phải hợp lý, không để tác động xấu tới cân đối lớn về xuất nhập khẩu, hạn chế tối đa nhập siêu, tăng xuất siêu. Cùng với đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước; bám sát tình hình để điều tiết giá cả phù hợp, trên cơ sở kiểm soát lạm phát, tính toán kỹ tác động tới kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, hoạt động của các doanh nghiệp, thu ngân sách… Các doanh nghiệp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện hợp đồng đã ký, trên cơ sở kế hoạch dài hơi, ổn định, hạn chế tối đa các cú sốc trong sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp, các bộ: Tài chính, Công thương, TN-MT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng phải bám sát tình hình, khi xuất hiện các vấn đề vướng mắc, biến động, tác động xấu thuộc phạm vi quản lý nhà nước thì phải có biện pháp, công cụ, đề xuất các giải pháp can thiệp, xử lý phù hợp. Tiếp tục rà soát, đề xuất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách với sản xuất, kinh doanh, cung ứng điện, than, khí, các nguồn năng lượng tái tạo để bảo đảm an ninh năng lượng. Bộ Công thương chủ động thúc đẩy phong trào tiết kiệm điện mạnh mẽ, hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, khai thác tối đa công suất các nguồn điện hiện có.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, cá nhân liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tăng cường phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, vì sự phát triển chung, tránh lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, "xin-cho", "giấy phép con" trong ngành điện, than, dầu, khí, hướng tới mục tiêu phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục