Ngay khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng lập tức chỉ đạo công an và các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra, truy tìm hung thủ phá rừng, truy cứu trách nhiệm các đơn vị để mất rừng.
Tuy nhiên, theo người dân địa phương, nếu có sự quan tâm sâu sát kịp thời ngay từ đầu thì cả rừng cây phi lao từ 10 - 40 năm tuổi, thậm chí cả 100 năm tuổi sẽ không bị phá sạch như thế. Điều đáng nói, 140ha rừng phi lao bị tàn phá, gần 10 năm nay được UBND tỉnh Bình Định giao cho một doanh nghiệp làm dự án điện gió nhưng chưa xong.
Những ngày cuối tháng 9-2019, khi khu rừng đã bị phá trắng, nhiều cao niên ở các thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa), Phú Hậu (xã Cát Chánh) rất bất bình. Họ kể rằng, khu rừng được gầy dựng từ bàn tay của nhiều thế hệ dân làng. Dân trồng theo nhiều thời kỳ, một số trồng từ 100 năm trước, một số có 40 năm tuổi, số còn lại là 20 năm tuổi trở lại. Rừng phi lao tạo thành vành đai xanh giữa biển cát trơ cằn. Rừng đa chức năng, vừa che chắn bão cát, thiên tai, bão lũ lại vừa giữ ẩm, nuôi dưỡng nguồn nước ngầm, tạo cảnh quan môi trường... Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, cả trăm hécta rừng bị phá trắng.
Khu rừng có vai trò rất quan trọng đối với an cư, sinh kế của người dân. Những năm 2009, khi Bình Định giao đất, rừng cho Công ty CP Phong điện Phương Mai, kèm theo yêu cầu phải chăm sóc, bảo vệ, giữ nguyên trạng rừng (92%) để tạo cảnh quan môi trường, bảo vệ khu vực dân cư lân cận. Gần 10 năm trôi qua, điện gió thì chẳng thấy tăm hơi, còn rừng thì mất trắng.
Sự việc người dân phía Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) tập trung phản đối các dự án điện mặt trời, điện gió chỉ mới thăm dò, vì cho rằng ảnh hưởng môi trường, phá rừng, khai thác titan… là một minh chứng. Phải đến khi lãnh đạo tỉnh Bình Định đứng trước nhân dân cam kết không có chuyện doanh nghiệp khai thác titan, phá rừng, ảnh hưởng đến môi trường thì dân mới tin và trở về nhà.
Nhắc lại để thấy rằng, vụ để mất trắng trên 140ha rừng phi lao vẫn còn rất nhiều uẩn khúc, cần sớm được điều tra, làm rõ nguyên nhân và công khai cho nhân dân được biết. Trong đó, cần làm rõ: Vì sao giao hàng trăm hécta rừng đang giữ chức năng phòng hộ cho một doanh nghiệp không có chức năng, thẩm quyền quản lý, bảo vệ rừng; tại sao trên 140ha rừng bị tàn sát trong nhiều tháng trời mà cơ quan chức trách, đơn vị quản lý rừng không kịp thời nắm bắt ngăn chặn; chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Phương Mai, đơn vị được giao đất, giao rừng từ những năm 2009 có trách nhiệm đến đâu khi để mất cả trăm hécta rừng?...