Không để người dân phải đi xin Nhà nước mới phục vụ

Trước khi mong được bồi thường vật chất, thì người bị oan mong được xin lỗi công khai, để họ được trả lại sự công bằng, không bị ánh mắt canh chừng của xã hội.
Sáng 31-5, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Xin lỗi người bị oan không cần phải có đơn
Thảo luận về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), liên quan đến xác định trách nhiệm liên đới bồi thường giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp gây oan cho công dân, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận xét, trong khi có rất nhiều cơ quan tham gia quy trình tố tụng; khó có thể “cắt khúc”, chỉ buộc tòa án phải bồi thường là chưa hợp lý.
Cùng quan điểm, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) kiến nghị Quốc hội cần cân nhắc giao cho một cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường.
Ghi nhận “dự thảo cơ bản tháo gỡ được khó khăn vướng mắc trong thực tiễn”, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đồng ý giải quyết bồi thường cả trong tố tụng hình sự và tố tụng hành chính, người được bồi thường có quyền lựa chọn, yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc khởi kiện tòa án giải quyết bồi thường.
Không để người dân phải đi xin Nhà nước mới phục vụ ảnh 1 ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) nêu ý kiến tại phiên họp.
Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) nhận xét, khoản 1 Điều 17 dự thảo quy định việc ra quyết định phạt hành chính trái luật cũng phải bồi thường, nhưng trong thực tế biên bản xử phạt hành chính lại do một nhóm cán bộ công chức dưới quyền thực hiện, còn người ký quyết định là người có chức vụ. 
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, dự thảo đã quy định về xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho người bị oan sai, nhưng lại quy định chỉ thực hiện việc này khi người bị oan có đơn yêu cầu. “Khi bắt người tại nơi ở sẽ có sự chứng kiến của đại diện tổ dân phố, bắt tại nơi công tác phải có đại diện của cơ quan…, nhưng sau này được xác định oan lại phải có đơn yêu cầu mới được phục hồi danh dự. Trước khi mong được bồi thường vật chất, thì người bị oan mong được xin lỗi công khai, để họ được trả lại sự công bằng, không bị ánh mắt canh chừng của xã hội”, ĐB Nguyễn Thị Thủy nêu quan điểm và đề nghị quy định theo hướng, trong mọi trường hợp, sau khi có văn bản xác định oan thì cơ quan tố tụng, công khai tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự, trừ trường hợp người bị oan từ chối.
Đồng ý với quan điểm này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định: “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước văn minh, mà văn minh thì đi liền với lịch sự, gây ra lỗi thì phải xin lỗi, không đợi được yêu cầu. Mặt khác, khi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa tốt như hiện nay thì không phải mọi người dân đều hiểu được quyền của mình để yêu cầu được xin lỗi. Chúng ta cũng đang hướng đến một nhà nước phục vụ, mà nhà nước phục vụ thì cũng không để người dân phải đi xin mới phục vụ”.

Đề nghị sớm xem xét Luật về Hội, Luật Nhà giáo
Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, ĐB Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) và một số ĐBQH cho rằng, Luật An ninh mạng dự kiến xem xét tại kỳ họp thứ tư, thông qua ở kỳ thứ 6 là quá chậm, vì hiện nay vấn đề an ninh mạng đã trở nên quá cấp bách. Những hành vi xâm phạm an ninh mạng ngày càng gia tăng nhưng chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh. Vì vậy, nên đẩy tiến độ xem xét, thông qua luật an ninh mạng, chậm nhất nên thông qua ở kỳ thứ 5.
ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) băn khoăn khi Quốc hội tiếp tục chưa xem xét Luật về Hội. “Sáng 31-5, Chính phủ đã có báo cáo về việc rút Luật về Hội và một số luật khác ra khỏi chương trình, nhưng vẫn chưa có dự kiến bao giờ sẽ trình lại Luật về Hội, trong khi lập hội là nhu cầu rất bức xúc hiện nay của nhiều người dân.
Đề nghị năm 2018 Quốc hội bàn về luật này”, ĐB Triệu Thị Thu Phương đề xuất. ĐB Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, đề nghị bổ sung vào kỳ họp thứ 6 sửa đổi Luật Cán bộ, công chức để giải quyết những bất cập hiện nay như sai phạm trong giải quyết công vụ, xử lý kỷ luật cán bộ đã về hưu; về tinh giản biên chế; tiêu chuẩn bầu và bổ nhiệm cán bộ, công chức. Thời gian qua, công luận đã rất bức xúc những sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ tràn lan, những biến thể trong hệ thống chức danh…, vì vậy cần sớm sửa Luật Cán bộ, công chức.
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị xây dựng Luật Đối tác công tư để có hanh lang pháp lý điều chỉnh thực tiễn hiện nay. Cùng với đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo để bảo đảm mục tiêu nâng cao thu nhập giáo viên cũng như có thể thực hiện chủ trương đưa nhà giáo ra khỏi cơ chế công chức, viên chức.
Năm 2018, Quốc hội xin ý kiến ĐBQH chọn 2 nội dung giám sát chuyên đề trong số 4 nội dung: việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, thảo luận lựa chọn nội dung giám sát, các ĐB vẫn có lựa chọn rất khác nhau. Đáng chú ý, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và nhiều ĐB chọn giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
“Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là rất quan trọng, nhưng bây giờ đi vào nhiều bản thấy bà con dân tộc mà không cầm lòng được. Đó là chính sách tổng hợp kinh tế, xã hội, quốc phòng. Sắp tới chúng ta xây dựng Luật Dân tộc thì Quốc hội càng phải thực hiện giám sát lĩnh vực này”, ông Nhưỡng phát biểu.

Tin cùng chuyên mục