Không để thiếu điện

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định, vẫn đảm bảo cung ứng đủ điện dù cho nguồn cung than đang khó khăn, nguồn khí chưa ổn định, thủy điện bị khô hạn nặng do nắng nóng.
Công nhân Công ty Điện lực quận Hoàng Mai (Hà Nội) bảo trì đường dây cung cấp điện
Công nhân Công ty Điện lực quận Hoàng Mai (Hà Nội) bảo trì đường dây cung cấp điện

Đủ nhiên liệu, hệ thống vẫn ổn

Chủ trì cuộc họp chiều 26-5 tại Hà Nội do Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức, Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin: Hiện nay, lượng nước về các hồ thiếu hụt tới 50%, nhiệt độ ở miền Bắc vẫn còn đang cao, tháng 6 mới là cao điểm nắng nóng. Nhu cầu phụ tải điện tăng, tính đến ngày 25-5, sản lượng trung bình ngày lên tới 818 triệu kWh, tăng 8%. Trong bối cảnh đó, một số dự án nhiệt điện đang gặp sự cố, phải sửa chữa, như hệ thống Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa), Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh), Phả Lại (Hải Dương), Cẩm Phả (Quảng Ninh)... khiến tình hình cung ứng điện cũng khó khăn hơn.

Trước tình hình này, Thủ tướng đã họp với Bộ Công thương và EVN chỉ đạo bằng mọi biện pháp phải đảm bảo đủ điện. “Cho đến giờ này, chúng ta vẫn đang đảm bảo tốt việc cung ứng điện”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng, tình hình đã được cải thiện, các giải pháp đã và sẽ tiếp tục triển khai gồm: đảm bảo độ tin cậy của các nhà máy nhiệt điện, những tổ máy có sự cố phải tìm cách xử lý nhanh nhất, những tổ máy mới sẽ nỗ lực đưa vào vận hành (chẳng hạn dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đã bổ sung 2 tổ máy vào lưới).

Thủ tướng cũng chỉ đạo các đơn vị có nhà máy điện phải bằng mọi cách lo đủ nhiên liệu để sản xuất điện, nếu không đủ than thì có thể vay (mượn) than; các nhà máy nhiệt điện khí cũng đã tích trữ bổ sung dầu, trong trường hợp nguồn khí giảm thì turbin sẽ đốt bằng dầu DO. Dự báo, trong các tháng tới, dù miền Bắc và miền Trung vẫn tiếp tục cao điểm nắng nóng, hạn hán (phụ tải tăng cao) nhưng thời điểm này, miền Nam đã vào mùa mưa nên phụ tải không cao nữa, góp phần giảm căng thẳng cho phụ tải miền Bắc. Hiện tại chưa tính tới việc có phải cắt điện luân phiên trong tháng 6, trong trường hợp công suất tiêu thụ điện tăng vọt như ngày 22-5 vừa qua, cơ quan điều hành và ngành điện sẽ có những kịch bản phù hợp.

Sở dĩ đưa ra dự báo này vì theo tính toán của Thứ trưởng Đặng Hoàng An, mỗi ngày sản lượng từ thủy điện khoảng 95-100 triệu kWh, năng lượng tái tạo khoảng 105 triệu kWh, nhiệt điện than khoảng 500 triệu kWh, turbin khí khoảng 95 triệu kWh, điện nhập khẩu khoảng 10 triệu kWh, trong khi dự tính nhu cầu tiêu thụ trung bình trong những ngày tới chỉ khoảng 835 triệu kWh… cơ bản vẫn đảm bảo đủ.

Thúc giục năng lượng tái tạo

Trong bối cảnh nguồn cung điện gặp khó khăn, Bộ Công thương đang thúc giục các nhà đầu tư điện tái tạo khẩn trương hoàn tất thủ tục cần thiết để đàm phán, “chốt” giá điện đầu vào với EVN, nhanh chóng đưa điện lên lưới. Theo Cục Điều tiết điện lực, tính đến ngày 26-5, đã có 52/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.155MW đã nộp hồ sơ đến EVN. Trong đó, 36 nhà máy đã đề xuất giá điện tạm tính bằng 50% khung giá của Bộ Công thương. Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, trong số đó, 5 dự án đủ hồ sơ, không vướng mắc gì, có thể đưa điện lên lưới. Như vậy, còn 33 nhà máy với tổng công suất 1.581MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Sở dĩ có những khó khăn, dẫn đến tiến độ đàm phán chậm là do có nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng... Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3-2023 nhưng vẫn không bổ sung được. Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, Bộ Công thương và EVN tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp, mặc dù vậy, vẫn phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Đây là lúc các chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục, nộp hồ sơ để việc thỏa thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục