Căng thẳng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc âm ỉ từ nhiều năm qua. Nhưng đến thời điểm này, hai bên mới bắt đầu có những động thái “ra đòn” để bảo vệ lợi ích của mình.
Dư luận Trung Quốc có vẻ sục sôi sau ngày 11-9 khi Tổng thống Mỹ Obama quyết định đánh mức thuế 35% rồi lần lượt xuống 30%, 25% trong 3 năm đối với vỏ xe hơi của Trung Quốc. Mức thuế quan này sẽ có hiệu lực chậm nhất là từ ngày 26-9-2009. Phía Mỹ giải thích rằng, động thái này nhằm cứu vãn sự sụp đổ của thị trường Mỹ vì việc nhập khẩu vỏ ruột ô tô tăng vọt.
Trước đó, Washington nhiều lần cáo buộc Trung Quốc bảo hộ thương mại. Người Mỹ không vui vẻ gì với việc hàng hóa giá rẻ Trung Quốc ồ ạt xuất khẩu vào nước họ. Ba ngày sau, ngày 14-9, Bộ Thương mại Trung Quốc trả đũa bằng việc thông báo tiến hành điều tra chống phá giá đối với một số sản phẩm phụ tùng ô tô và thịt gà nhập khẩu từ Mỹ “theo luật pháp Trung Quốc và quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì tuyên bố quyết định của Mỹ áp thuế đối với lốp xe nhập từ Trung Quốc là “một kiểu bảo hộ thương mại”, sẽ phá hỏng quan hệ hợp tác thương mại và tài chính giữa Trung Quốc và Mỹ, làm chậm tiến trình hồi phục của kinh tế thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng vừa công bố một “báo cáo tháng” của cơ quan giám sát chất lượng nước này. Trong đó đưa ra một “danh sách đen” gồm nhiều công ty nước ngoài từ 25 quốc gia khác nhau (trong đó có PepsiCo và Mead Johnson của Mỹ) có các sản phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc không đạt chất lượng.
Các nhà quan sát nhận xét rằng, từ nhiều năm qua, các chính khách Mỹ thường tranh thủ lòng tin của dân chúng thông qua việc chống lại Trung Quốc bằng cách thực thi các biện pháp mà chủ yếu mang tính biểu tượng đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc dựa trên các danh mục được hạn chế trong phạm vi hẹp. Trong 5 năm trở lại đây, Bộ Thương mại Mỹ đã hạn chế nhập khẩu hàng hóa đa dạng từ Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, những phản ứng trước đây tỏ ra thận trọng và có tính toán. Bắc Kinh vẫn ưu tiên bảo vệ mối quan hệ thương mại mà cán cân luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Theo đó, cứ mỗi 4,46 tỷ USD hàng hóa Mỹ mua từ Trung Quốc thì đổi lại, Trung Quốc mới mua 1 tỷ USD từ phía Mỹ. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh có vẻ tự tin hơn khi mà Mỹ chính là con nợ lớn nhất của Trung Quốc với khoảng 1.000 tỷ USD, chủ yếu là trái phiếu mà họ đang nắm giữ.
Những diễn biến mới nói trên cho thấy đó không chỉ đơn thuần là vấn đề buôn bán, nhất là trong bối cảnh chính trị và quan hệ quốc tế hiện nay của hai cường quốc này. Lãnh đạo hai nước cũng chịu áp lực không nhỏ từ các nhóm lợi ích, các tập đoàn trong nước, mặc dù họ không muốn việc tranh cãi ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ song phương.
Dù vậy, vụ tranh chấp thương mại mới đã phần nào làm gia tăng căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia, trong khi hai nước còn đang nỗ lực cùng nhau vực dậy nền kinh tế toàn cầu và giải quyết những mối đe dọa an ninh của nhau… Hơn nữa, những động thái trả đũa lẫn nhau này sẽ làm cho Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Pittsburgh (Mỹ) sắp tới thêm nóng hơn.
Nguyễn Khắc Đức