Không nâng mức tiền đặt trước khi đấu giá đất

Theo cơ quan thẩm tra, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá những tài sản có giá trị rất lớn. 

Những lô đất vàng quy hoạch Thủ Thiêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Những lô đất vàng quy hoạch Thủ Thiêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (dự thảo) có nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước. Đây là dự luật sẽ được cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (ngày 27-3).

Báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế trình hội nghị lần này nêu rõ, dự thảo Luật quy định việc nộp tiền đặt trước và hồ sơ tham gia đấu giá đối với người tham gia đấu giá là một trong các điều kiện tham gia đấu giá, không phải là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Sau khi trúng đấu giá, khoản tiền này mới được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người không trúng đấu giá được hoàn lại khoản tiền đặt trước này.

Về nâng mức tiền đặt trước, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là “không phù hợp” vì các tài sản đặc thù này thường có giá trị rất lớn.

Theo báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.

Vì vậy, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.

Tóm lại, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.

Với đề nghị tiếp tục rà soát quy định xác định tiền đặt trước đối với quyền khai thác khoáng sản bảo đảm thống nhất với pháp luật hiện hành về khoáng sản, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý.

Theo đó, trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tiền đặt trước được tính căn cứ vào băng tần, số lượng khối băng tần đăng ký mua và giá khởi điểm cao nhất của khối băng tần trong mỗi băng tần đăng ký mua theo tỷ lệ tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Bên cạnh đó, về quy định lấy lại tiền đặt trước, dự thảo đã bổ sung các trường hợp người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước khi có sự thay đổi về thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá.

Cụ thể, khoản 3, điều 39 dự thảo quy định như sau: “Người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp có thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản, thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá đã niêm yết, thông báo công khai; trường hợp khoản tiền đặt trước phát sinh lãi thì người tham gia đấu giá được nhận tiền lãi đó”.

Tin cùng chuyên mục