Thận trọng khi mở quá rộng cơ chế thử nghiệm với Thủ đô

Góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐB đề nghị thận trọng khi cho phép áp dụng cơ chế thử nghiệm ở tất cả các lĩnh vực, nghĩa là mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TPHCM.

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Ảnh: QUANG PHÚC

Góp ý về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (đang diễn ra tại Nhà Quốc hội, sáng nay, 26-3), ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhận định, dự thảo Luật quy định mối quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội trong 4 vùng, gồm: vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng động lực phía Bắc. “Đây là các quy định mới, có nhiều đột phá so với luật hiện hành và mở rộng hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ 6”, ĐB Phạm Trọng Nghĩa nhận định.

Tuy nhiên, trong khi các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng động lực phía Bắc đã được xác định khá rõ trong các văn bản pháp luật khác thì dự thảo Luật lại chưa xác định vùng Thủ đô gồm những địa phương nào, ranh giới ra sao. ĐB đề nghị xem xét bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương trong vùng Thủ đô trong dự thảo Luật làm căn cứ thực tiễn cho việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng.

Bên cạnh đó, theo ĐB Nghĩa, ngoài cơ chế đặc thù về cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa và quy định về phát triển khu thương mại và văn hóa thì các quy định của dự thảo vẫn thiên về phát triển "phần cứng", chưa có nhiều quy định thúc đẩy "phần mềm" của văn hóa; chưa có quy định cụ thể để đạt mục tiêu: xây dựng văn hóa người Hà Nội. ĐB Phạm Trọng Nghĩa đề nghị tiếp tục nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hoá Thủ đô; đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Đánh giá cao cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, và cho rằng dự thảo Luật cho phép được áp dụng cơ chế thử nghiệm ở tất cả các lĩnh vực, nghĩa là mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TPHCM trong Nghị quyết số 98 ngày 24-6-2023 của Quốc hội (về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM).

ĐB đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND Thành phố quyết định.

“Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: Tài chính, ngân hàng (Fintech); giáo dục (Edtech); Y tế (Medtech)”, ĐB gợi ý. Đồng thời, dự thảo Luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào? Hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao…

Tin cùng chuyên mục