Luật chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng thì để lại kỳ sau

Kỳ họp thứ 7 chỉ thông qua những nội dung cấp bách, nội dung nào chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng thì để lại kỳ sau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngày 26-3, phát biểu khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày, xem xét, cho ý kiến đối với 8 dự án luật.

HUỆ TRAO ĐỔI 26.jpeg
Chủ tịch Quốc hội với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quá trình xây dựng các dự án Luật trên cũng như xây dựng luật pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay quán triệt nguyên tắc được đề ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo đó, đối với những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, có sự đồng thuận, thống nhất cao thì quy định ở trong luật; những vấn đề chưa chín, chưa đủ rõ, còn có ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu; những vấn đề thực sự cấp bách nhưng cũng chưa có sự thống nhất cao, nếu có sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì nghiên cứu để có bước đi phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dù đến giai đoạn 2, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan chủ trì thẩm tra, tuy nhiên từ đầu nhiệm kỳ, luôn có sự phối hợp chặt chẽ từ sớm từ xa giữa các cơ quan, tổ chức thêm nhiều hội thảo, tọa đàm, khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Quốc hội cũng tổ chức làm việc thêm nhiều vòng, nhiều lượt trước khi trình Quốc hội cho ý kiến. Như dự án Luật Thủ đô, Đảng đoàn Quốc hội có 2 buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Để hội nghị đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến về cơ sở chính trị. Các dự án luật đến nay đã quán triệt đầy đủ nghiêm túc, sát, đúng các chủ trương của Đảng về các vấn đề liên quan chưa, bởi đôi khi quá chú trọng đến vấn đề kỹ thuật mà ít để ý đến vấn đề cốt lõi.

a215a33c-ffbc-413b-a607-b1462b4fb4af.jpeg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó là tính hợp hiến, hợp pháp và đồng bộ của hệ thống pháp luật; các chính sách được bổ sung đã được đánh giá tác động đầy đủ hay chưa.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tập trung cho ý kiến về những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau hoặc phương án khác nhau; rà soát những vấn đề liên quan đến việc áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp. Bởi 8 dự án luật này, có những dự án luật, chính sách thể chế đặc thù vượt trội khác luật hiện nay, như trong dự án Luật Thủ đô và Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Cho biết chương trình xây dựng pháp luật tại kỳ họp thứ 7 là rất nặng khi Quốc hội dự kiến thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến về 10 dự án luật khác, chưa kể hàng loạt nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu theo hướng nội dung nào cấp bách thì đưa vào xem xét tại kỳ họp thứ 7, nội dung nào chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng thì để lại kỳ sau.

“Dù tình huống nào thì nhiệm vụ xây dựng pháp luật tại kỳ họp tới cũng rất nặng nề”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu quan tâm, rà soát, cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp. Trong 8 dự án luật lần này có những dự án luật như có nhiều chính sách, cơ chế đặc thù, vượt trội, khác với các quy định của luật hiện hành.

“Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có khá nhiều chính sách đặc thù vượt trội, nếu sửa ngay trong hai dự luật này và những dự án luật khác có liên quan thì rất phức tạp và không đủ thời gian để xử lý hết. Cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo đã đề xuất và cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình là xử lý trong việc áp dụng pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

"Qua 4 hội nghị từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã đóng góp hơn 323 lượt ý kiến đối với 25 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Nhờ đó, đã tiếp thu, chắt lọc được rất nhiều ý kiến có giá trị và rất xác đáng".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tin cùng chuyên mục