Đổi mới GD phải toàn diện, căn bản
ĐB Đinh Thị Bình (Phú Thọ), ĐB Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) và nhiều ĐB khác đều cho rằng, đổi mới GD phải toàn diện, căn bản, không nên chỉ sửa đổi một số điều, vì vậy cần thiết có thể xem xét, thông qua ở 3 kỳ họp để cho một sản phẩm không mang tính nhiệm kỳ. Đây cũng là dự luật tác động trực tiếp đến hàng chục triệu HS-SV, hàng triệu giáo viên cũng như tác động đến mọi gia đình, vì vậy càng cần phải có thời gian để lấy thêm ý kiến của xã hội, các nhà khoa học. ĐB cũng đề nghị gọi là Luật Gíao dục 2018.
Đáng chú ý, ĐB Đinh Thị Bình (Phú Thọ) đề nghị làm rõ hệ thống GD quốc dân, nên lấy lại tên gọi các trường mầm non, cấp 1, 2, 3 cho dễ gọi, dễ phân biệt. Đồng tình, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng đề nghị chuyển các tên gọi mầm non, tiểu học, THCS, THPT cho dễ hiểu, đúng với triết lý GD phổ thông. Đáng chú ý, trước đó, một số nhà khoa học, chuyên gia giáo dục cũng đã đưa ra đề xuất này.
Nhiều ĐB đề nghị phải đầu tư thỏa đáng cho GD mầm non-bậc học rất quan trọng trong đời mỗi con người. Nhưng hiện nay nhiều cháu không có chỗ học, học không đủ điều kiện. Theo ĐB Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận), cần phải phải đầu tư thỏa đáng cho GD mầm non, chấm dứt tình trạng hiện nay học sinh thiếu chỗ học, thiếu giáo viên, trẻ bị bạo hành.
Ngành sư phạm: Không phải là vấn đề học phí
Về chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác. Nhưng các em được vay tín dụng để trả học phí, ra trường nếu làm công tác giảng dạy sẽ được xóa khoản vay, còn nếu không làm công tác giảng dạy phải trả lại tiền vay. Việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Đồng tình với dự thảo nhưng các các ĐB cũng cho rằng, cốt lõi để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm không phải là ở vấn đề học phí, mà phải là việc quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm để trường sư phạm thực sự là máy cái của ngành GD, đào tạo có địa chỉ để bảo đảm sinh viên sư phạm ra trường có việc làm.
Tuy nhiên, dẫn con số 18% sinh viên sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, vậy các em lấy gì để trả, một số ĐB cho rằng cần tính lại chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm, hoặc phải có quy định thực hiện cụ thể với những trường hợp không xin được việc làm, nhất là những trường hợp đặc biệt như lý do sức khỏe, hoàn cảnh đặc biệt.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhấn mạnh, học phí không phải là lý do để người học quyết định học sư phạm hay không. Lương giáo viên và chính sách tuyển dụng mới là gốc của vấn đề. ĐB đề nghị Nhà nước không cần có chính sách tín dụng sư phạm, mà nên giải quyết tốt 2 vấn đề cốt lõi trên. Cùng với đó, xây dựng chính sách học bổng quốc gia để trao cho những HS-SV xuất sắc, trong đó ưu tiên sinh viên ngành sư phạm.
Đừng đưa học sinh ra thí điểm
Góp ý về việc thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa (SGK), ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) dẫn việc thí điểm mô hình trường học mới VNEN thời gian qua có vấn đề. Thí điểm chương trình này không báo cáo Quốc hội, chỉ có công văn của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình triển khai ở 54 tỉnh thành với trên 5.000 trường học, chưa đánh giá, tổng kết mô hình. Nhiều phụ huynh không tán thành chương trình này, phản ứng mạnh mẽ khi cho rằng con em họ bị đưa ra làm “chuột bạch”.
Khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ thì Bộ GD-ĐT mới có công văn yêu cầu các địa phương nơi nào đủ điều kiện mới triển khai. “Ngành GD không thể thí điểm chương trình này không được thì thí điểm chương trình khác. Học sinh chỉ có một con đường duy nhất là học thật, không thể học thử. Vì thế, đề nghị luật quy định rõ việc thực nghiệm chương trình, SGK, các mô hình giáo dục phải hết sức chặt chẽ, không để tùy tiện như hiện nay”, ĐB Dương Minh Tuấn phát biểu.
Về SGK, tới đây thực hiện một chương trình nhiều SGK, vì thế ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị phải quy định rõ thẩm quyền lựa chọn SGK cho trường học, đặc biệt cần quy định cả về giá SGK, bảo đảm không có sự chêch lệch quá lớn về giá SGK.
Nhiều ĐB cũng có ý kiến đề nghị ổn định sách giáo khoa, không thay đổi liên tục như hiện nay, rất lãng phí, gây hoang mang cho người học.