Phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010

Không phải là phổ cập chứng chỉ!

Không phải là phổ cập chứng chỉ!

Ngày 1-8, ngay sau Hội nghị tổng kết năm học 2005-2006 và triển khai nhiệm vụ “2 không” – không tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích – cho năm học mới, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phổ cập giáo dục (PCGD) giai đoạn 1 (2001-2005) và mục tiêu, giải pháp giai đoạn 2 (2006-2010).

Không phải là phổ cập chứng chỉ! ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tặng bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phổ cập giáo dục 5 năm qua. Ảnh: MAI HẢI

Đánh giá giai đoạn 1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng cho rằng chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng: Có 36 tỉnh thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTHĐĐT); 30 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS). Mặc dù vậy, theo ông Vọng, vẫn còn một số mặt hạn chế, yếu kém như kế hoạch phổ cập chưa sát với điều kiện thực tế, tiến độ thực hiện còn chậm, chất lượng chưa bền vững có thể dẫn tới mất chuẩn. Tuy nhiên, đích đến là PCGDTHCS trên toàn quốc vào năm 2010 nhất định sẽ phải thực hiện bằng được và “chúng ta đã và sẽ kiên quyết lấy nguyên tắc đảm bảo chất lượng vững chắc làm tiêu chí hàng đầu để phấn đấu, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện; không khuyến khích tư tưởng nóng vội chạy theo số lượng và tiến độ”. Ông cũng nói rõ giai đoạn 2 “sẽ thực hiện rất khó khăn” vì 34 tỉnh, thành còn lại đều thuộc diện “thu không đủ chi” và chắc chắn Chính phủ sẽ phải rót ngân sách hỗ trợ.

Tiếp thu hàng loạt ý kiến của các địa phương từ Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Cần Thơ… đến Cà Mau, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng nhấn mạnh đến 3 giải pháp chủ yếu sẽ áp dụng cho giai đoạn 2: Thứ nhất là phải có hệ thống trường lớp chính quy với nhiều loại mô hình phù hợp với từng địa phương, như ở miền núi có thể áp dụng loại hình “bán trú, dân nuôi” mà Tuyên Quang đã triển khai. Thứ hai, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo chất lượng với tinh thần trách nhiệm cao. Thứ ba, huy động sức mạnh của toàn xã hội, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Trước đề xuất “đơn giản hóa các tiêu chí đạt chuẩn” mà Cà Mau – tỉnh duy nhất xin “lùi” thời gian thực hiện PCGDTHCS đến năm 2007, ông Vọng cho rằng tiêu chí không cao và không thể thay đổi. Thậm chí các địa phương đã đạt chuẩn sẽ phải nâng lên mức cao hơn nữa cho giai đoạn sau năm 2010.

Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng công tác PCGD phải làm thực chất chứ không phải là làm theo cách… phổ cập chứng chỉ. Theo ông, PCGD chẳng qua cũng chỉ là phổ cập năng lực làm người tối thiểu theo chuẩn quốc gia. Đối với 34 tỉnh thành còn lại, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát lại phương án khả thi, hoạch định kỹ lộ trình PCGD cụ thể và bám chắc vào “4 cân đối”: Vốn, năng lực xây dựng cơ bản, đội ngũ giáo viên và chính sách đãi ngộ với họ. Riêng với 30 tỉnh, thành đã hoàn thành PCGDTHCS, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý nên “tăng chuẩn” không đọc – chép và ứng dụng tin học trong giảng dạy.

Các đội tuyển Việt Nam dự Olympic quốc tế
Mang về 18 huy chương các loại

Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), năm học 2005-2006, Việt Nam cử 19 học sinh giỏi tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế về vật lý, toán học, hóa học, sinh học. Các học sinh này đã xuất sắc mang về cho đất nước 18 huy chương (4 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 10 huy chương đồng). Kết quả này khẳng định thành tích ổn định của các đội tuyển học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Đặc biệt 6/6 thành viên đội tuyển Olympic Toán quốc tế đều đoạt huy chương (2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng) góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, nhất là khi nước ta sẽ đăng cai tổ chức kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48 vào năm 2007.

Triển khai chương trình phân ban THPT năm học 2006-2007
Bộ GD-ĐT phải định kỳ báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện

Ngày 1-8, Thủ tướng Chính phủ đã ký chỉ thị về việc triển khai chương trình phân ban THPT. Theo đó, Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo, hướng dẫn các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục THPT tổ chức phân ban phù hợp với điều kiện, năng lực của nhà trường và nhu cầu học tập của HS; chuẩn bị và cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng sách giáo khoa, thiết bị dạy học, làm tốt công tác bồi dưỡng, bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; thực hiện đổi mới căn bản, mạnh mẽ phương pháp dạy học... Bộ GD-ĐT phải đánh giá kết quả thực hiện phân ban THPT và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phân ban THPT. Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đảm bảo việc mua sắm thiết bị dạy học, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đáp ứng yêu cầu phân ban.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục