Sáng 5-2 (25 tháng Chạp âm lịch), khoảng 100.000 lượt khách tiếp tục về quê tại các bến xe liên tỉnh, nhà ga trên địa bàn TPHCM. Đây là những ngày bước vào đợt cao điểm phục vụ vận chuyển hành khách về quê.
Tấp nập người về
Mặc dù lượng hành khách tăng gấp 3-4 lần so ngày thường, song các bến xe khách liên tỉnh cam kết không thiếu xe phục vụ và không để hành khách chờ lâu tại bến.
Tại Bến xe miền Đông (BXMĐ) mới 4 - 5 giờ sáng 5-2 đã có hàng ngàn người mang hành lý đến ngồi chật kín cả khu vực nhà chờ để tranh thủ đón xe về quê. Tại các quầy bán vé xe của hãng xe chất lượng cao, chạy tuyến Nam - Trung - Bắc như: Hoàng Long, Thuận Thảo, Cúc Tư, Mai Linh, Chín Nghĩa… đã thông báo hết vé trong khi các quầy bán vé xe chạy các tuyến Tây Nguyên như Gia Lai, Lâm Đồng, Đà Lạt rất đông người chờ mua.
Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc BXMĐ, cho biết các tuyến miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên, lượng khách tăng gấp đôi ngày thường. Ngày 5-2, bến có hơn 1.500 xe xuất bến vận chuyển khoảng 45.000 - 47.000 lượt khách. Tuy nhiên, do hành khách đã mua vé trước đó nên trong ngày không xảy ra tình trạng khách chen nhau. Dự kiến những ngày tiếp theo, ngày 6, 7 và 8-2 (tức 26, 27 và 28 tháng Chạp âm lịch), lượng khách tập trung về bến sẽ tăng khoảng 48.000 - 53.000 lượt khách/ngày.
Tuy vậy, bến xe đã chuẩn bị nguồn xe dồi dào và cam kết không để xảy ra tình trạng thiếu xe và không để bất kỳ hành khách nào đón giao thừa tại bến. Dự kiến, cao điểm nhất vẫn là ngày 26 và 27 tháng Chạp, có khoảng 55.000 lượt khách đến BXMĐ đón xe về quê ăn tết. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến BXMĐ năm nay giảm 15% - 20%. BXMĐ tăng cường 120 xe buýt phục vụ những ngày cận tết.
Tại Bến xe miền Tây (BXMT), từ TPHCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do hầu hết là các tuyến ngắn đi trong ngày nên lượng khách ngày 5-2 chỉ tăng nhẹ, hơn 30.000 - 32.000 khách/ngày. Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc BXMT, cho biết ngày cao điểm của bến là 3 ngày áp chót tức ngày 6, 7 và 8-2 có thể đạt 61.000 - 63.000 khách/ngày (gấp 3 lần ngày thường).
Tại Hà Nội, ngày 5-2, hành khách tiếp tục nườm nượp đổ về các bến xe Hà Nội. Vào khoảng 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa, các Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Phía Nam, Bến xe Gia Lâm đều đông nghẹt, hành khách phải xếp hàng dài mua vé, chen chúc lên xe. Tuy nhiên, sau đó các bến đều giải tỏa được hành khách nhanh chóng. Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội, cho biết, trong ngày hôm qua, lượng hành khách qua các bến xe Hà Nội ước chừng khoảng 63.000 lượt người, tăng hơn 23% so với ngày thường nhưng chỉ bằng khoảng 95% so với cùng thời điểm tết năm trước. Tuy nhiên, lượng hành khách vẫn có thể tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải trong những ngày tới đây.
Trong khi các bến xe tương đối yên ả thì tình trạng hành khách bắt xe dọc đường tại các tuyến đường gần bến xe hoặc cửa ngõ thủ đô lại khá phức tạp. Trên tuyến đường Phạm Hùng (trước cửa Bến xe Mỹ Đình), đường Giải Phóng (trước cửa Bến xe Giáp Bát), đường Nguyễn Văn Cừ (trước cửa Bến xe Gia Lâm), hành khách đứng đầy hai bên đường, các xe khách cũng đi rất chậm và dừng đỗ bắt khách tùy tiện khiến giao thông trên các tuyến đường này nhiều lúc bị ùn ứ. Đặc biệt, tình trạng bắt khách dọc đường còn diễn ra cả trên tuyến đường cao tốc trên cao vừa mới được thông xe của Hà Nội, đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, Pháp Vân - Cầu Giẽ… gây mất trật tự an toàn giao thông.
Xử lý xe chèn ép khách
Nhiều người may mắn mua được vé xe chất lượng cao, còn lại hầu như buộc phải đi xe ủy thác loại 2 - 3, tuy giá vé thấp hơn so với xe loại 1 hay xe thương hiệu nhưng xe không có máy lạnh. Đó là chưa kể xe ra khỏi bến là bắt đầu hành trình rước khách dọc đường, nhà xe chèn ép, nhồi nhét khi nào hết chỗ trống (lối đi) thì thôi. Nhiều người cho rằng, phía nhà xe không giữ uy tín khi trong bến thì bảo là xe chất lượng cao, không đón khách dọc đường, không nhồi nhét, bao ăn… tuy nhiên khi lên xe thì ngược lại.
Về tình trạng xe ủy thác nhồi nhét khách dọc đường, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc BXMĐ, cho rằng: Xe xuất bến hoàn toàn không có chuyện nhồi nhét. Việc đón khách dọc đường thì bến không quản lý được nhưng nếu xe nào nhồi nhét khách, phóng nhanh vượt ẩu, hành khách gọi về bến để bến xử lý ngay. Về vấn nạn xe dù, bến đã gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Phía BXMĐ cũng chuẩn bị 120 xe buýt sẵn sàng phục vụ, đưa hành khách về quê trong dịp Tết Nguyên đán và dứt khoát không để lại hành khách nào lại bến dù là đêm cuối cùng.
Ngày 5-2, ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi, cho biết, để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp tết, từ ngày 6-2, công ty sẽ tăng cường thêm 10 chuyến xe giường nằm chạy tuyến TPHCM - Đà Lạt và ngược lại mỗi ngày. Như vậy, hiện lượng xe Thành Bưởi chạy tuyến TPHCM - Đà Lạt đã tăng gần gấp đôi so với ngày thường.
| |
Quốc Hùng - Thái Bình