Hôm nay, 1-10, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội khai màn. Đây là sự kiện trọng đại mà thế hệ chúng ta may mắn được nhận lãnh trọng trách. Giờ phút này, bất cứ người dân Việt Nam nào, dù ở gần hay xa Hà Nội đều đang hướng về mảnh đất Thăng Long, trái tim dấu yêu của cả nước. Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Phùng Hữu Phú (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
* PV: Thưa ông, giờ phút này, ông có thể khái quát quá trình chuẩn bị cho đại lễ mà chúng ta đã chuẩn bị suốt nhiều năm qua?
* Ông PHÙNG HỮU PHÚ: Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ là ngày lễ trọng đại của Đảng, chính quyền và nhân dân thủ đô mà còn là sự kiện đặc biệt trọng đại của dân tộc. Do vậy, cách đây 12 năm, trong Chỉ thị 32-CT/TƯ, ngày 4-5-1998, Bộ Chính trị khóa VIII khẳng định đây là dịp để nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, thế hệ ông cha chúng ta đã có công dựng và giữ nước. Và trên thực tế, không chỉ Hà Nội, 62 tỉnh, thành trong cả nước đều có nhiều hoạt động thiết thực để hướng về đại lễ với các công trình, cuộc vận động, phong trào cụ thể.
Theo tôi đại lễ sẽ mang tới cho cả nước sự phấn chấn, niềm tự hào, nhất là trong thời điểm bên thềm của thập kỷ thứ 2, thế kỷ 21, khi chúng ta khép lại chặng đường 5 năm 2006 - 2010, chuẩn bị bước vào chương trình phát triển mới.
* Sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ có tác động thế nào tới tổng thể kinh tế - chính trị - xã hội và ngoại giao của Việt Nam trong năm nay và những năm tới?
* Đại lễ là vận hội nghìn năm một thuở. Đây là thời cơ lớn để khơi dậy sức mạnh tinh thần của người Hà Nội và của cả dân tộc, thời cơ để tăng cường cơ sở vật chất, vừa lợi trước mắt vừa lâu dài. Chúng ta mới thông cầu Vĩnh Tuy cũng như khánh thành hàng loạt công trình kinh tế xã hội: Bảo tàng Thăng Long, chuẩn bị khởi công nhà hát Thăng Long có tầm cỡ quốc tế và khu vực, Trường chuyên Amsterdam tầm khu vực, các đô thị mới… Những việc này góp phần giải quyết các vấn đề trước mắt, tạo ra diện mạo mới cho Hà Nội. Nhưng về lâu dài là sự tích hợp các nguồn lực cho sự phát triển.
Qua công việc, chúng ta tổng kết kinh nghiệm của tổ tiên, nhìn ra thế giới học kinh nghiệm xây dựng thủ đô các nước, làm giàu tri thức của chúng ta trong xây dựng đô thị và phát triển bền vững. Đây là việc có tác dụng cả về vật chất và tinh thần.
* Bên cạnh việc phát triển kinh tế, làm thế nào để giữ được nét thanh lịch, tao nhã của người dân sống ở thủ đô là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Ông nhìn nhận như thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa đô thị trong bối cảnh thủ đô ta đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới?
* Càng đi vào hiện đại thì văn hóa càng có tầm quan trọng rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định. Chúng ta quen với tư duy khi có kinh tế rồi thì nói văn hóa, nhưng trong thời hiện đại thì cái hiệu quả, bền vững của kinh tế lại do văn hóa quyết định. Cái tầm cao, nhân văn của xã hội chỉ có khi nào xây dựng trên nền tảng văn hóa. Chúng ta đẩy mạnh CNH-HĐH, đô thị hóa thì việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và tiên tiến rất quan trọng. Đó là việc lâu dài, lớn và phức tạp.
Hà Nội đã làm hàng nghìn năm nay, đã khẩn trương tích cực trong 1, 2 năm chuẩn bị đại lễ, nhưng phải nói là còn rất nhiều vấn đề phải kiên trì giải quyết. Chúng ta chỉ xây dựng được một thủ đô văn minh hiện đại khi nào người Hà Nội ứng xử văn minh. Và đó là nỗ lực của toàn xã hội. Chỉ khi nào gia đình thấy trách nhiệm giáo dục con em là một trong những mục đích hàng đầu, trên cả cơm áo, khi nào xã hội trọng văn hóa hơn thì mới có sự phối hợp chặt chẽ, lúc đó văn hóa người Hà thành mới được bồi đắp một cách vững chắc.
* Thưa ông, hôm nay (1-10), đại lễ chính thức khai màn. Đâu là thông điệp chính mà Hà Nội - Việt Nam muốn thể hiện?
* 10 ngày đại lễ với mật độ các sự kiện, hoạt động dày đặc, nhưng rất thiết thực. Có thể nói chuỗi hoạt động trong 10 ngày đại lễ hết sức toàn diện, phong phú. Mục đích lớn nhất của đại lễ là để nói với tổ tiên, thế hệ hậu sinh không quên công ơn của những người khai sáng kinh thành Thăng Long và đất nước. Đồng thời, qua đó khơi dậy niềm tự hào to lớn về một Hà Nội 1.000 năm văn hiến, hòa bình - một truyền thống quý báu, rất đáng tự hào. Đại lễ cũng là dịp để chúng ta nói với thế giới về một Việt Nam trọn vẹn, một Việt Nam không chỉ chiến đấu giỏi mà còn là một Việt Nam văn hiến, văn hóa, đặc biệt là một Việt Nam rất yêu hòa bình.
* Hà Nội thời điểm này quá đẹp. Đó là cảm nhận của bất cứ ai. Theo ông, làm thế nào để vẻ đẹp này được duy trì, tỏa sáng chứ không chỉ nhất thời?
* Mỗi người phải tự nhận thức về trách nhiệm của mình trước một thủ đô có bề dày truyền thống, đáng tự hào này mình phải làm gì để xứng đáng. Trong vấn đề này, báo chí đóng vai trò rất quan trọng, phải luôn nhắc nhở “anh ơi, chị ơi, bạn ơi, mình là người Việt Nam đấy, là người Hà Nội đấy, phải sống sao cho xứng”.
* 10 ngày đại lễ sẽ vô cùng rộn ràng, hạnh phúc nhưng không tránh khỏi đông đúc, sơ suất. Ông có nhắn nhủ gì với người dân cũng như du khách khi đến Hà Nội dịp này?
* Mong muốn là vô cùng, nhưng chuẩn bị thì có hạn. Lúc này rất cần sự chia sẻ, trân trọng, cảm thông. Có thể có những sơ suất, chưa trọn vẹn nhưng tôi mong mỗi người hãy tự đặt mình vào vị trí những người đang phải làm công việc chuẩn bị, tổ chức đại lễ để hiểu hết những vất vả của họ. Ông bà ta đã nói, chê thì dễ nhưng làm thì khó. Trong những ngày đại lễ, tất cả chúng ta, bạn bè, hãy luôn để trong đầu 2 chữ: thể tất!
* Xin cảm ơn ông!
PHAN THẢO thực hiện