Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Chuyển đổi các trường dân lập sang tư thục: Bất ổn”, báo đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các nhà quản lý, các nhà giáo xung quanh những bất cập trong việc chuyển đổi. Để thông tin được nhiều chiều, chúng tôi xin trích đăng những ý kiến của các nhà quản lý về vấn đề này.
GS Trần Hồng Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập Việt Nam: Cần rạch ròi các loại hình sở hữu
Thông tư 20 là trở ngại về quản lý tài sản vì không phân biệt rõ ràng sự đan xen sở hữu vốn trong các trường đại học dân lập hiện nay. Thực tế có 3 loại sở hữu mà nhà nước cần phải làm rõ. Một là các nhà đầu tư tư nhân góp vốn; hai là những nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân, phụ huynh góp vốn xây trường và vốn này thuộc sở hữu chung của trường (của cộng đồng, không thuộc Nhà nước và cũng không thuộc về cá nhân nào cả); ba là Nhà nước đầu tư (phòng thí nghiệm, cung cấp tài trợ xây dựng ban đầu, ưu đãi thuế, đất đai) thì vốn này thuộc sở hữu Nhà nước quản lý.
Nếu 3 loại hình sở hữu này được làm rạch ròi thì tất cả đều minh bạch và việc chuyển đổi sẽ thuận lợi hơn. Bởi lẽ, lợi nhuận (phần dôi ra giữa thu và chi) thuộc về phần Nhà nước và của tập thể nhà trường sẽ không chia mà dành lại cho phát triển trường. Đương nhiên phần của các nhà đầu tư tư nhân sẽ được chia theo tỷ lệ hợp lý. Như thế, sau nhiều năm lợi nhuận của trường sẽ tăng lên và đây là cơ sở để trường phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo.
Do đó, nếu Thông tư 20 có sự phân định rạch ròi những loại tài sản như trên thì tất cả đều minh bạch, không có chuyện mơ hồ hay ép tài sản dôi ra của các trường vào cái này hay cái kia.
Mặt khác, để các trường phát triển đúng hướng và ổn định sau chuyển đổi thì Quyết định 61 về Quy chế tổ chức và hoạt động các trường đại học tư thục cũng phải xem xét lại vì quyết định này có những quy định coi trường đại học như là doanh nghiệp. Trường học không thể xem như là doanh nghiệp, dù nó có đặc thù là hoạch toán như doanh nghiệp. Vì lẽ, doanh nghiệp lấy sản phẩm là phương tiện, còn trường học thì sản phẩm là con người để phục vụ lại. Đây là điểm khác nhau rất cơ bản. Do đó, không thể xem các thầy là người làm thuê khi tất cả các quyền biểu quyết, bổ nhiệm nhân sự, cán bộ khoa học… đều do “ông chủ” (hội đồng quản trị) toàn quyền quyết định.
GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM): Thông tư 20 còn mù mờ
Khi các trường dân lập chuyển sang loại hình trường tư thục mà cấp quản lý vẫn không làm rõ 2 khái niệm “lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” thì bản chất các trường hiện nay vẫn không thay đổi. Cái gọi là “tài sản chung không chia” mà Thông tư 20 hướng dẫn hết sức mù mờ và vô nghĩa. Trong khi đó, phần lớn các trường ngoài công lập hiện nay thực tế là trường “vì lợi nhuận”. Do đó, để có chính sách quản lý thích hợp nhằm đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước đạt hiệu quả như mong muốn, cấp quản lý đừng né tránh mà hãy làm rõ được hai khái niệm trên.
TS - Luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định TPHCM: Phải giải quyết hài hòa quyền lợi
Chủ trương chuyển các trường đại học dân lập sang loại hình trường tư thục của Chính phủ là đúng đắn để giúp các trường phát triển. Tuy nhiên, việc chuyển sang tư thục đang gặp khó ở việc tranh chấp, giải quyết quyền lợi giữa 3 nhóm: chủ đầu tư, quyền lợi của người lao động, quyền lợi của tập thể nhà đầu tư sáng lập.
Trước đây, có trường dân lập được Nhà nước cho thuê đất dài hạn hoặc được mua với giá ưu đãi thì khi định giá chuyển sang tư thục đã nảy sinh quyền lợi giữa nhà đầu tư với người lao động. Thậm chí ngay cả những nhà đầu tư ban đầu cũng nảy sinh mâu thuẫn. Có trường tranh chấp quyết liệt về quyền lợi vì cho rằng tỷ lệ vốn lớn sẽ hưởng quyền lợi lớn khi giá trị sử dụng đất lớn lên.
Tuy nhiên, tập thể những nhà đầu tư, sáng lập viện và những người lao động đòi phải được hưởng quyền lợi này vì đất được giao hay bán ưu đãi không cho một cá nhân nào mà cho tập thể để phục vụ giáo dục. Trong khi đó, những nhà đầu tư lại hiểu theo cách khác, đó là họ muốn chia theo tỷ lệ vốn góp, còn những sáng lập viên, người lao động lại cho rằng như thế không thỏa đáng. Vì vậy mà khi chuyển sang tư thục có trường đã toan tính bằng cách cho những giảng viên lâu năm nghỉ dần và khi chuyển sang tư thục, họ không phải chia quyền lợi tài sản.
Mặt khác, như báo đã nêu, đúng là thực tế hiện nay ở một số trường khi chuyển sang tư thục đã có sự định giá không nghiêm túc và trong đó đã có sự móc ngoặc giữa nhà đầu tư mới và nhà đầu tư cũ. Do đó, để chuyển đổi thành công, Bộ GD-ĐT cần xem lại các văn bản hướng dẫn cho chặt chẽ, phối hợp với các địa phương để việc chuyển đổi thành công nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên.
THANH HÙNG (ghi)
| |