Không thiếu thực phẩm dịp tết

Đây là khẳng định của ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, tại buổi làm việc với Bộ Công thương về công tác chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cung cầu và ổn định thị trường Tết Nguyên đán 2020 trên địa bàn TP vừa diễn ra tại TPHCM.

Lượng hàng tết tăng bình quân từ 14,6% - 17,3%

Theo nhận định của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay khá gần nhau, chỉ cách hơn 3 tuần, thời gian nghỉ tết dự kiến là 7 ngày, do vậy nhu cầu mua sắm có thể tăng cao kể từ giữa tháng 12-2019 kéo dài đến giáp Tết Canh Tý.

Qua công tác khảo sát thị trường, kiểm tra về khả năng cung ứng nguồn hàng chuẩn bị tết của các doanh nghiệp (DN) cho thấy, các đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, hệ thống phân phối phủ rộng… Dự báo giá cả hầu hết các nhóm hàng thiết yếu tiếp tục ổn định, khó xảy ra tình trạng biến động về giá, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường và an sinh xã hội.

Cụ thể, các DN đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết với nguồn kinh phí là 19.027,3 tỷ đồng, tăng 602,5 tỷ đồng (3,27%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019 (18.424,8 tỷ đồng), trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng BOTT là 7.244,9 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 26-12 đến 24-1-2020 (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.224,5 tỷ đồng, trong đó hàng BOTT 4.088,5 tỷ đồng.

Lượng hàng chuẩn bị tăng 14,6% - 17,3% so kế hoạch TP giao và tăng 21% - 28% so kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20% - 53,2% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 53,2%), trứng gia cầm (48,6%), thực phẩm chế biến (28,1%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27,5%), gạo (31,5%)...

Thông qua chương trình hợp tác thương mại, Sở Công thương đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ tết.

Bên cạnh nguồn hàng chuẩn bị của các DN, hàng tết còn được cung ứng từ 3 chợ đầu mối với lượng hàng hóa về chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Dự kiến, vào thời điểm cận tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày.

Không thiếu thực phẩm dịp tết ảnh 1 Sản xuất lạp xưởng cung ứng hàng tết tại một đơn vị. Ảnh: CAO THĂNG

Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM cũng xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết với số lượng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường.

Về mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn TP khoảng 45 triệu lít bia và 50 triệu lít nước giải khát/tháng tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Hiện nay, các DN đã và đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch cung ứng tết. Đối với nhóm hàng bánh, mứt, kẹo, hạt khô các loại, dự báo nhu cầu tiêu thụ tiêu thụ khoảng 19.000 tấn. Các công ty bánh kẹo năm nay tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau. Nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho thị trường tết với bao bì bắt mắt.

Không tăng giá 2 tháng trước và sau tết

Theo bà Nguyễn Mậu Phương Quỳnh, Phó trưởng Phòng Quản lý giá, Sở Tài chính TPHCM, thành viên Tổ công tác BOTT, cho biết song song với công tác chuẩn bị nguồn hàng tết, hiện các sở ngành chức năng đang vận động DN đăng ký giá bán hàng tết. Sau khi các DN đăng ký giá xong, tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra và rà soát lại giá bán BOTT theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá. Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5% - 10% và giữ ổn định giá bán trong thời gian 2 tháng trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020 (tức 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết).

Tuy nhiên, do giá heo hơi trong thời gian gần đây liên tục biến động, nên mặt hàng này được đưa khỏi danh mục chốt giá bán liên tục trong 2 tháng để các DN có thể chủ động nguồn cung không bị thiếu hụt vào cao điểm mua sắm tết. Tất cả nhóm hàng còn lại (gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô …); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị) giá bán sẽ không thay đổi. Đồng thời, TP cũng khuyến khích các DN cung ứng phối hợp với hệ thống phân phối thực hiện giảm giá bán sâu trong 2 ngày cận tết đối với mặt hàng thiết yếu như thịt gà, trứng gia cầm...

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vissan, cho biết mặc dù thịt heo không nằm trong danh sách chốt giá bán trong 2 tháng tết, nhưng Vissan vẫn sẽ thực hiện giảm giá bán vào 2 ngày cận tết để tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng mua sắm, kích cầu tiêu dùng. Tại các hệ thống phân phối cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5% - 49%, tập trung vào các mặt hàng có sức mua lớn như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, TPHCM đã hoàn chỉnh kế hoạch cung ứng hàng tết với số lượng tăng khá cao so với kết quả thực hiện của mùa tết năm ngoái. Vì là địa địa phương có sức mua rất lớn nên ngành công thương không thể lơ là trong quá trình chuẩn bị hàng tết. Đối với mặt hàng thịt heo, để đảm bảo cân đối cung cầu, TPHCM có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN nhập khẩu thịt heo khi có nhu cầu. Đồng thời, xây dựng phương án BOTT, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt heo và sử dụng thịt heo đông lạnh thay thế thịt heo nóng để giảm sức ép cho nguồn cung trong nước. Với các nhóm hàng còn lại, tiến hành chốt giá trong 2 tháng tết, TPHCM cũng cần tăng cường tuyên truyền để người yên tâm mua sắm, tránh tình trạng gom hàng, găm hàng gây mất ổn định khả năng cung cầu và giá cả thị trường tết.

Liên quan đến mặt hàng thịt heo, các DN chủ lực của TPHCM như Vissan, San Hà, Sargifood, Satra… đều khẳng định, bên cạnh việc chăm sóc và phát triển tốt đàn heo và gia cầm hiện có, các DN này đã có kế hoạch nhập khẩu thịt heo từ các nước Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ, Canada… và tổng thời gian từ lúc đặt hàng đến khi đưa ra cửa hàng bán lẻ dao động từ 45 - 60 ngày.
Giá thịt heo nhập khẩu chỉ dao động quanh mức 44.000 - 48.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thịt heo trong nước. “Vissan đang nhập về 2.500 tấn thịt heo, chủ yếu phục vụ chế biến. Tuy nhiên, nếu mức cầu tăng cao vào giáp tết, khả năng thịt heo nóng bị thiếu hụt, Vissan có thể bán thêm thịt nhập khẩu. Với mức giá thấp hơn và nguồn thịt được bảo quản tốt thì người tiêu dùng vẫn có thể sử dụng”, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết.

Tin cùng chuyên mục