Không xin cuộc đời

Nỗi đau chỉ... làm nền
Không xin cuộc đời

Ngày nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam 10-8

Trở về từ chiến trường K (Campuchia), mất sức hơn 60% và bị nhiễm chất độc da cam, song ông Huỳnh Viết Thanh (56 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) lại không làm thủ tục hưởng chế độ ưu đãi. Mặc mọi người giễu cợt là “khùng”, ông tâm niệm, người lính có hai nhiệm vụ: bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Hòa bình, mình cần dành thời gian học tập, lao động sản xuất, kiến thiết đất nước chứ không muốn đi… kể công với cách mạng! Giờ đây, trong nhiệm vụ mới, người cựu binh của Sư đoàn 307 oai hùng vẫn luôn xăm xăm… tiến lên phía trước.

Ông Huỳnh Viết Thanh chăm sóc con trai Hoài Nam.

Ông Huỳnh Viết Thanh chăm sóc con trai Hoài Nam.

Nỗi đau chỉ... làm nền

37 tuổi, Viết Thanh lấy vợ, người phụ nữ quê ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Tình yêu muộn màn của chàng lính phục viên đơm hoa kết trái. Con trai đầu chào đời, bé mang tên Hoài Nam, cái tên luôn nhắc nhớ về một thời oanh liệt của người cha có 8 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam và Campuchia. Hạnh phúc ngỡ trong tầm tay mà lại dần xa. Ba tháng tuổi, Hoài Nam vẫn không biết bú sữa, cơ thể bé ngày một mềm nhũn, oặt ẹo. Cầm kết quả xét nghiệm con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, người mẹ trẻ thất thần. Viết Thanh lúc này mới bàng hoàng nhận ra hậu quả của dioxin mà Mỹ rải xuống Quân khu 5, khu vực tiếp giáp Campuchia, nơi mình từng đóng quân. Liên lạc lại nhiều đồng đội cũ để xác minh, Viết Thanh đành chấp nhận sự thật khi con của họ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hụt hẫng trước nghịch cảnh, Viết Thanh gồng mình, ngược xuôi Bắc - Nam làm thuê cho các công ty, từ bán hàng, đến sản xuất xà bông giặt và các công ty hóa chất, cốt lo cho gia đình.

Năm 2003, để thuận tiện cho việc điều trị chọn lựa, tẩy rửa tinh trùng ở nước ngoài nhằm chuẩn bị sinh bé thứ hai, Huỳnh Viết Thanh đưa vợ con vào TPHCM lập nghiệp. Nhờ kiên trì chữa trị, năm 2006, con trai thứ hai ra đời, hoàn toàn khỏe mạnh và được đặt tên Hoài Bắc. Một năm sau, ở tuổi 49, ông Viết Thanh làm nhiều người thót tim khi anh gom hết vốn liếng dành dụm và vay thêm người thân được tổng cộng 5 tỷ đồng để mở Công ty TNHH Hoài Bắc, chuyên xử lý nước thải. Kiến tạo màu xanh là phương châm kinh doanh. “Tôi muốn làm hết sức mình để lấy lại màu xanh cho thiên nhiên sau khi bị chiến tranh tàn phá” -  ông Thanh ao ước. Công ty vừa lập thì vợ ông mắc bệnh ung thư dạ dày, phải phẫu thuật cắt bỏ 2/3 dạ dày. Vợ bệnh, con thơ, con cả khuyết tật, bản thân mình phải quên đi bệnh tật để làm việc, vậy mà ông không hề than trách mà luôn tin rằng, không có số phận định sẵn, số phận là do chính mình tạo ra. 

“Quần tôi có hai miếng vá”

“Ở công ty này, cháu làm kỹ sư. Còn chú, mới học hết lớp 12, chú chỉ có trình độ chừng đó thôi” - ông Thanh chào đón nhân viên mới một cách thật thà như thế. Theo ông, đó là sự chân thành, không giấu dốt - nếu áo anh rách vai thì quần tôi có hai miếng vá. Nếu mình sống không chân thành thì người khác cũng gian dối với mình. Ông không sợ người khác sẽ thay đổi cách nhìn về mình mà với ông, đơn giản đó là cách giải thích của một con người: ai lại nói dối, lại “giữ miếng” với người thân của mình! Nhiều nhân viên công ty tâm sự, họ chưa từng gặp ai dám phô bày cái hạn chế của mình như thế! Điều thú vị là phản ứng của nhân viên, họ không hề thiếu tôn trọng ông mà ngược lại, yêu quý ông hơn. Và, chính sự thật thà của ông Thanh như sợi dây ràng buộc nhân viên cũng tự phải… sống thật với chính mình, với đồng nghiệp.

Để bù đắp sự thiếu hụt về kiến thức khoa học, cốt đi đến quyết định cuối cùng chính xác nhất, việc thiết kế, thi công thành công các công trình cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước sạch, nước thải, xử lý chất thải nguy hại… của công ty đều được ông Thanh đưa ra hội đồng khoa học (có sự hỗ trợ của các chuyên gia) tranh luận công khai. Không chỉ xử lý chất thải, ông còn chủ trương bắt chất thải sinh lời. “Hiện nay chúng tôi sở hữu công nghệ bắt chất thải đẻ ra… vàng. Tức là sau khi xử lý chất thải, chúng tôi thu được phân bón, khí gaz (biogaz - PV), thu được điện, được nước sạch” - ông Thanh hồ hởi. Không những hoạt động khắp Việt Nam, ông Thanh còn lập Tổng Công ty Hoài Nam Hoài Bắc Cambodia, có trụ sở và hoạt động tại Campuchia nhằm phủ xanh trên những khoảng trống nham nhở dấu tích của chiến tranh ở nơi ông từng chiến đấu.

Từ 4 lao động lúc mới thành lập, giờ đây, công ty đang giải quyết việc làm cho trên 3.000 nhân viên, trong đó có nhiều con thương binh, liệt sĩ, con cựu binh Sư đoàn 307, con em hộ nghèo ở TPHCM. Đặc biệt, ông Thanh sẵn sàng chào đón những sinh viên mới tốt nghiệp và coi yêu cầu về kinh nghiệm một cách cứng nhắc là “làm khó bạn trẻ”. Nhiều bạn trẻ sau 3-5 năm gắn bó với công ty, được đào tạo, kèm cặp đã tự ra ngoài mở công ty riêng. Ông Thanh không níu kéo, thậm chí, vẫn dõi theo họ, chuyển thêm đơn hàng cho họ làm. Nếu quá sức vị giám đốc trẻ, ông Thanh lại cử người tới phụ giúp. Sau một thời gian va chạm, 7 lãnh đạo trẻ dần vững vàng rồi lại… tự động xin quay về, gia nhập tập đoàn Hoài Nam Hoài Bắc. “Đó là cách làm của người lính. Không so đo, không tính toán. Nếu gộp lại thì công ty lớn hơn rất nhiều, tầm ảnh hưởng, độ bao phủ lớn hơn, mọi người cùng được lợi. Việc chẻ nhỏ công ty, trở thành thù oán, triệt tiêu nhau, điều đó, trường lính không dạy. Đã là người lính thì càng ngày càng lớn mạnh và luôn nằm trong đội ngũ”- ông Thanh chia sẻ đầy hào sảng.

Không những kèm cặp trong công việc, ông Thanh còn chắp cánh cho tình yêu của cấp dưới. Ông đứng ra làm mối, gắn kết, chủ hôn cho gần 30 cặp vợ chồng nhân viên. Chỉ cần hứa trước mặt ông là không “ăn cơm trước kẻng và không bỏ nhau”, thì ông sẵn sàng cho đôi trẻ mượn tiền làm đám cưới rồi trừ dần vào lương. Họ sinh con ra, công ty đến thăm, góp nhau tặng chiếc tủ lạnh, cái ti vi, người tặng cái chiếu, người tặng bộ đồ ăn… Thế là thành gia đình! Vợ giận chồng, chồng giận vợ (dù là dâu, rể của công ty) đều nhắn tin “mách lẻo” ông; nạn nhân được ông “bảo lãnh”, sóng gió gia đình đều tan biến.

Chính lối sống chan hòa, chân tình của ông Thanh đã gắn kết mọi người và giúp ông làm chủ trên mặt trận mới. Và có lẽ, chỉ có tấm chân tình của người cựu binh mới giải thích được tại sao khi ông Thanh đã quyết định không hành động gì, chấp nhận để một hầm biogas (dung tích cả trăm m3 đặt tại tỉnh Đắk Nông, bị nứt do tác động bởi thiên tai), vỡ ra rồi làm lại thì 7 kỹ sư, công nhân trong công ty lại không ngần ngại, chủ động chui vào hầm vá vết nứt. Sau khi cứu được hầm không vỡ, giúp công ty tiết kiệm cả chục tỷ đồng, 7 kỹ sư, công nhân chui ra bên ngoài, toàn thân nhầy nhụa. Không ngần ngại, ông Thanh ôm chầm lấy người đi đầu và cả 7 người cũng ôm lấy ông. Tất cả thành một khối.

BẢO PHƯỢNG - ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục