Từ lâu, trên địa bàn một số quận huyện tại TPHCM hình thành nên những ngôi chợ từ tấm lòng của những nhà hảo tâm, nhằm giúp đỡ người bán hàng rong có nơi buôn bán không tràn ra lòng đường, vỉa hè làm ảnh hưởng đến giao thông. Cả người bán và người mua đặt tên cho những ngôi chợ này là “Khu chợ nghĩa tình”, bởi các yếu tố: Mặt bằng thuận tiện, giá thuê thấp và được hỗ trợ lúc khó khăn…
Chợ nhỏ và tấm lòng người chủ chợ
“Tâm ơi ra cột lại cái dù che sạp cho cô Bưởi nè”. Bước chân thấp chân cao từ sạp cá phía trong ra, bà Võ Thị Kính gọi người con trai út ra phụ mẹ con chị Bưởi dọn hàng ra bán. Vào giờ tan tầm hàng ngày, khu chợ bà Kính tại số 552 Hồ Học Lãm, phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) lại nhộn nhịp người bán, người mua. “Chỗ đất chừng hơn 500m² này là đất hương hỏa do má tôi là Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Mai để lại cho mấy đứa cháu. Lúc đầu tụi nó không chịu, nói đất mặt tiền đường lại làm nơi bán cá, bán thịt. Thấy mấy đứa bán ngoài đường nắng mưa, bụi bặm, ế ẩm, xe cộ nguy hiểm tôi dựng sạp gọi vào cho bán, mỗi tháng lấy tụi nó chút đỉnh, tháng nào khó quá thì giảm, tính ra mỗi sạp thu có hơn 10.000 đồng/ ngày à…”, bà Kính nói.
Khu chợ bà Kính phục vụ công nhân trên đường Hồ Học Lãm. Ảnh: Hoài Nam
Ngôi chợ bà Kính lúc đông có hơn 20 quầy sạp, tính ra mỗi ngày thu được hơn 200.000 đồng, so với diện tích đất mặt tiền đường thì quá thấp, nhưng như bà nói cái được thì lớn hơn nhiều. “Khu đất đẹp sao bà không cho thuê mở xưởng, hay mở nhà hàng, quán ăn thu lợi nhiều hơn?”, chúng tôi hỏi. Bà Kính gạt tay nói: “Ba thằng con trai nhà tôi đều làm ở ngoài khu phố, thằng Công làm Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 14 bên kia đường, còn thằng Tâm thì làm Tổ trưởng bảo vệ dân phố khu phố 13 bên này. Thấy quận, phường đưa ra chủ trương lập lại trật tự đô thị trên các tuyến đường, chúng nó phải làm gương, nhường đất làm chợ cho bà con buôn bán kiếm sống chứ”.
Bà Võ Thị Kính (phải) bên sạp rau của chị Bưởi
Đưa tay thoăn thoắt xếp mấy trái cam, nải chuối trên sạp trái cây, chị Thạch Thị Thanh (quê tỉnh Trà Vinh) nói: “Hồi trước tui hay bán trái cây trên lề đường Kênh 19/5. Lúc đó bán mà hồi hộp lắm, vì nhiều lần tui bị mấy ông trật tự đô thị hốt dù với trái cây rồi. Khoảng 7, 8 năm trước, thấy bác Năm có cái chợ nên tui xin vào bán. Nói thiệt là tui biết ơn bác Năm lắm, nhờ bác mà những người bán hàng rong như tụi tôi có chỗ ổn định, không lo bị đẩy đuổi nữa. Chồng tôi làm công nhân, trong nhà còn có mẹ và hai con. Mỗi ngày trừ tiền phí 30.000 đồng, tiền lời bán trái cây cũng đủ chợ búa và phụ nuôi con ăn học”.
Sạp của chị Thanh là một trong hơn 30 sạp chợ trên khu đất rộng khoảng 800m2 tại địa chỉ 51/1 Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh quận Tân Phú. Chợ được người dân gọi là chợ “ông Năm Hấp”, lấy tên ông Lý Văn Hấp - người lập ra chợ. Dắt chúng tôi đi tham quan chợ, ông Hấp kể: “Mỗi lần anh em trên phường đi dẹp trật tự lòng lề đường là những người bán hàng rong cuống cuồng thu dù, đẩy xe chạy dạt đi chỗ khác, thấy tội lắm. Có hôm người ta đẩy đại xe vào nhà mình, tui cũng cho để luôn. Rồi tui nghĩ: lập lại trật tự lòng lề đường là đúng, nhưng buôn bán là nhu cầu có thật của bà con, quan trọng là làm sao có chỗ ổn định cho mọi người bán hàng mà không phạm luật. Biết tâm tư của tui, lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Tây Thạnh đến gặp tui trao đổi. Sẵn phía sau nhà có miếng đất để cất nhà cho con cháu sau này nhưng giờ chưa đụng tới, tôi bàn với gia đình làm cái chợ nhỏ để bà con làm nơi buôn bán”.
Khiêm tốn nhận ý tưởng lập chợ chỉ là “Ý Đảng, lòng dân”, nhưng nghĩa cử tốt đẹp của người đảng viên Lý Văn Hấp (năm nay ông 39 năm tuổi Đảng) đã giúp nhiều người có chỗ mưu sinh, đồng thời hỗ trợ địa phương giữ gìn trật tự lòng lề đường. Hoạt động từ năm 2009, chợ “ông Năm Hấp” với 30 đến 50 sạp hàng - tùy thời điểm - thịt, cá, trái cây, quần áo... đã trở thành chỗ ghé mua hàng quen thuộc của phụ huynh đưa đón con đi học ở 4 trường gần đó cũng như của một số công nhân trong Khu công nghiệp Tân Bình khi tan tầm thuận đường đi ngang. Có được chỗ bán sạch sẽ, thuận tiện, mỗi chủ sạp vui vẻ đóng 10.000 đồng/ngày, giờ là 30.000 đồng/ngày cho ông Hấp chi vào tiền điện, nước, dịch vụ vệ sinh, bảo vệ. Năm ngoái, các sạp còn được “lên đời” khi ông Hấp lấy tôn, sắt từ nhà kho của ông ở huyện Bình Chánh về cất thành nhà lồng, nhờ vậy mỗi lúc mưa to gió lớn không còn sợ cảnh bạt bị thổi bay, dù bị ngã đổ.
Xóa thói quen cũ từ những khu chợ mới
Từ vòng xoay Phú Lâm, theo tuyến đường Kinh Dương Vương ra Bến xe miền Tây, chưa tới Công viên Phú Lâm là thấy ngay con đường nhỏ phía trên đặt tấm bảng vắt ngang qua đề dòng chữ “Khu phố ẩm thực”. Đường 10 dẫn vào khu phố hai bên san sát những nhà hàng, quán nhậu với đủ món đặc sản từ hải sản, bò tơ, cơm gà, cháo vịt đến những món ăn bình dân sôi, chè…
Ông Nguyễn Đức Hồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khu phố 6, phường 13 (quận 6) cho biết: “Khu này có lâu rồi, lúc đầu chỉ vài chục hộ kinh doanh ăn uống. Cách nay hơn 2 tháng UBND quận 6 quyết định thành lập Khu phố ẩm thực, hiện lên đến hơn 200 hộ kinh doanh, đa phần người thuê mặt bằng. Cấp ủy khu phố và Đảng ủy phường vận động đảng viên, nhân dân tự giác, tự quản từng mét vuông lòng đường, vỉa hè và thống nhất giá thuê nhà với mức thấp nhất, bảo đảm vệ sinh môi trường, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, có nơi để xe, có bảo vệ giữ an ninh trật tự. Những tiêu chí trên được từng hộ cam kết thực hiện, nhờ vậy khách đến mỗi ngày một đông và trở thành nét văn hóa đặc thù của một khu chợ văn minh, nghĩa tình…”.
Cũng với mô hình khu chợ nghĩa tình trên, tại quận 5 có phố Đông y (Lương Như Học, Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục); quận 1 có phố Tây Phạm Ngũ Lão; quận 8 có phố nghêu sò, ốc, hến… Những khu chợ sầm uất này đang hình thành nên nét văn hóa đặc thù của người dân TPHCM, từng bước xóa đi thói quen cũ biến lòng đường, vỉa hè thành nơi buôn bán, làm cản trở giao thông.
HOÀI NAM - ÁI CHÂN