Sau những thông tin về khu lưu giữ và thiết bị lưu giữ vật phẩm “Gửi tới mai sau” sẽ được đặt trong khuôn viên rộng 1.000m² nằm trong khu trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Hà Nội (Báo SGGP đã có bài phản ánh ngày 22-3-2010), nhiều nhà khoa học, nhà sử học, chuyên gia khảo cổ học đã bày tỏ suy nghĩ tâm huyết về một trong những công trình mang dấu ấn của Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi này.
Dấu hỏi lớn về mục đích lưu giữ
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông đã từng được mời tham gia góp ý cho dự án này cách đây 2 năm, khi nó mới chỉ là những ý tưởng rất sơ sài. Thời điểm đó, ông đã đặt câu hỏi là làm công việc này để làm gì, nhằm mục đích gì? Song đến nay dường như vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ những người có trách nhiệm thực hiện dự án.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, cuộc sống đang thay đổi hàng ngày, có những thứ vài chục năm sau đã thấy không còn có ý nghĩa chứ chưa kể tới tận 1.000 năm sau. Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, cách đây mấy năm, khi được biết có ý tưởng này, ông đã phản bác.
Dưới góc độ của một nhà khảo cổ, PGS. TS Trịnh Sinh - Viện Khảo cổ Việt Nam lại bày tỏ sự hoan nghênh bởi những ai không làm khảo cổ sẽ không biết nỗi khổ cực của những người trong cuộc. Theo ông, giả sử tưởng tượng 1.000 năm nữa, một nhà khảo cổ của tương lai gặp được kho lưu niệm quý giá này thì còn gì bằng. Song ông cũng cho rằng phải chọn lựa những thông điệp gì để thế hệ mai sau hình dung được thủ đô Hà Nội hôm nay và phải mang đậm tính dân tộc.
Cần có tiêu chí rõ ràng
Cũng theo gợi ý của ban tổ chức thì vật phẩm được lựa chọn phải thể hiện được tinh thần của cuộc sống, phản ánh được sự phát triển của xã hội đương đại. Đó có thể là những nhãn mác của các mặt hàng nổi tiếng, báo chí viết về những sự kiện nóng hổi của đời sống, ảnh kỷ niệm hay những vật phẩm thể hiện sự phát triển của KH-CN ngày nay... Chỉ riêng việc cân nhắc chọn lựa nhãn mác, thương hiệu nào sẽ được chọn và theo những tiêu chí đánh giá như thế nào cũng có thể tạo nên một cuộc tranh cãi phức tạp.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc cần phải công khai tiêu chí việc lựa chọn vật phẩm để mọi người bàn thảo, góp ý kiến rồi tập hợp lại trước khi triển khai những bước tiếp theo như tổ chức triển lãm để công chúng cùng tham gia… trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông cũng bày tỏ những lo ngại về phương pháp bảo quản lưu giữ vật phẩm bằng phương pháp hút chân không khi chưa có những đánh giá, báo cáo thực tế nào khẳng định cách này có thể kéo dài tuổi thọ của hiện vật đến 1.000 năm.
Về vấn đề bảo quản, PGS. TS Trịnh Sinh cho rằng cần phải xem xét chất liệu của vật phẩm bởi lẽ không phải chất liệu nào cũng có thể tồn tại trong thời gian dài như vậy. Hiện chỉ có 3 vật liệu đã được kiểm chứng qua thời gian, đó là đá, gốm và sứ.
THU HÀ