Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân xả nước thải gây ô nhiễm

Khu tiểu thủ công nghiệp (KTTCN) Lê Minh Xuân được hình thành từ năm 2005 và hiện KTTCN này đã cùng Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân đang gây ô nhiễm môi trường do nước xả thải.
Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân xả nước thải gây ô nhiễm

Khu tiểu thủ công nghiệp (KTTCN) Lê Minh Xuân được hình thành từ năm 2005 và hiện KTTCN này đã cùng Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân đang gây ô nhiễm môi trường do nước xả thải.

Nước bẩn không qua xử lý

KTTCN Lê Minh Xuân không có chủ đầu tư nên không được đầu tư về hạ tầng, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nước thải từ các cơ sở này không qua xử lý, cứ đổ thẳng vào môi trường gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống nên người dân quanh đấy vô cùng bức xúc. Chính vì vậy, UBND TPHCM đã giao UBND huyện Bình Chánh quản lý trực tiếp tình hình hoạt động của KTTCN, đồng thời giao KCN Lê Minh Xuân đấu nối, tiếp nhận xử lý và giám sát việc xả thải từ KTTCN. Quyết định của UBND TP đã phần nào khiến người dân yên lòng.

Tuy nhiên, mới đây người dân phản ánh tại một số cống xả ra kênh C16 và C18 thuộc hệ thống kênh Hóc Môn - Bình Chánh, dòng nước có màu nâu, đen, tím… bốc mùi hôi rất khó chịu. Phóng viên Báo SGGP đã đến xác minh và chứng kiến thực tế đúng như vậy. Nhân viên Xí nghiệp Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Hóc Môn - Bình Chánh khẳng định đây không phải cống thoát nước thải mà chính là cống thoát nước mưa của KTTCN. Hiện có 10 miệng cống thoát nước mưa như thế từ KTCCN xả vào hệ thống kênh thủy lợi. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc xí nghiệp này, cho biết các cống thoát nước mưa vẫn hoạt động cho dù trời không mưa. Vào tháng 3 năm nay, xí nghiệp phát hiện 2 cống nước mưa trong KTTCN đang xả nước thải có màu đỏ, nâu gây ô nhiễm kênh C18. Hành vi này đã vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi. Xí nghiệp đã mời đại diện KCN Lê Minh Xuân đến lập biên bản.Tuy nhiên, phần lớn các vụ xả thải qua cống thoát nước mưa đều diễn ra ngoài giờ hành chính, vào những ngày nghỉ, nên việc lập biên bản vi phạm cũng khó khăn.

Nước thải từ KTTCN Lê Minh Xuân không qua xử lý, đổ thẳng vào môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước

Hiện có 121 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu TTCN với những ngành sản xuất gây nguy cơ ô nhiễm cao như xi mạ, dệt nhuộm, nấu chì, tái chế bình ắc-quy… Các cơ sở này đều được cấp phép đầu tư, thu gom và đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung của KCN Lê Minh Xuân.

Diện chú ý đặc biệt

Mới đây, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã có kết luận thanh tra về việc xả nước thải và hệ thống thủy lợi của Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh - chủ đầu tư hạ tầng KCN Lê Minh Xuân. Theo đó, đề nghị công ty này khẩn trương kiểm soát và chấm dứt tình trạng xả trộm nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thu gom nước mưa của một số cơ sở sản xuất trong KTTCN, đồng thời xây dựng kế hoạch nạo vét, khơi thông dòng chảy đoạn kênh tại cửa xả thải nhà máy xử lý nước thải tập trung. Công ty cũng phải kiểm soát chất lượng nước thải khi xả vào công trình thủy lợi, bắt buộc lấy mẫu tại tất cả các điểm xả nước mưa của KCN và KTTCN trước khi xả ra kênh C18 và các công trình thủy lợi khác. Hàng quý, công ty phải có báo cáo đến cơ quan chức năng về kết quả quan trắc lưu lượng và chất lượng nước xả thải, tình hình thu gom xử lý nước thải và các vấn đề phát sinh trong quá trình xả nước thải vào hệ thống thủy lợi. Tổng cục Thủy lợi cũng yêu cầu chất lượng nước thải sau xử lý và nước mưa khi xả vào hệ thống thủy lợi phải đảm bảo các thông số theo quy định, Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước tại các điểm xả thải trên.

Đối với các cơ quan chức năng, Tổng cục Thủy lợi đề nghị quá trình theo dõi, giám sát việc thực hiện giấy phép xả thải, ngoài Sở NN-PTNT và Sở TN-MT còn có Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi, nên cũng phải báo cáo cho đơn vị này trong trường hợp có sự cố. Đồng thời, đề nghị UBND TPHCM tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xả thải chưa qua xử lý hoặc nước không đạt chuẩn vào công trình thủy lợi, đặc biệt lưu ý đối với KTTCN Lê Minh Xuân. Tổng cục Thủy lợi cũng giao Công ty Thủy lợi lắp đặt thiết bị đo lưu lượng xả thải đầu ra tại các cơ sở sản xuất trong KTTCN, lập biên bản kiểm tra thực tế, quay phim, chụp ảnh và báo cáo kết quả kiểm tra về UBND TP.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Phụng, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh, cho biết đã chỉ đạo UBND huyện kiểm tra và rà soát lại các cơ sở sản xuất trong KTTCN, không chỉ nước thải mà cả khí thải, chất thải rắn. Cơ sở nào vi phạm lập biên bản xử lý, nếu vi phạm nhiều lần kiên quyết đề nghị rút giấy phép hoạt động. Ngoài ra, đối với các cơ sở xin cấp phép mới, phải thẩm tra thật kỹ lượng về công nghệ sản xuất, năng lực xử lý chất thải… không để ô nhiễm thêm.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục