Sáng 6-12, tại thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VNR), Tropenbos International Vietnam và Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị đối thoại “Vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 3”.
Đây là cuộc đối thoại đa chiều nhằm giúp người dân có cơ hội đối thoại trực tiếp với các bên liên quan và phản ánh các vấn đề liên quan đến thủy điện và đời sống của họ. Bên cạnh đó, cung cấp thêm thông tin cho các tổ chức và chính quyền để thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.
Ông Đặng Ngọc Quang (cố vấn VNR) cho rằng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có tiềm năng thủy điện lớn với mật độ nhà máy dày đặc, nhưng cũng xuất hiện những xung đột với người dân liên quan đến đất đai hay đền bù thiệt hại.
Cũng theo ông Quang, việc xây dựng các đập thủy điện có nhiều hệ lụy liên quan đến tài nguyên của người dân, làm giảm đa dạng sinh học, mất nguồn thực phẩm từ cá; ruộng đồng bị cát vùi lấp, làm giảm sút thu nhập từ nông nghiệp; mực nước ngầm hạ thấp, tăng chi phí khai thác nước... Vì vậy, chính quyền và nhà đầu tư cần phân biệt cho người dân rõ trách nhiệm và vai trò của chính quyền, nhà đầu tư trong các dự án thủy điện, đền bù và tái định cư. Cơ bản là chính quyền không nên đóng vai trò thực hiện hợp phần đền bù và tái định cư; có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường kinh tế - xã hội đầy đủ và toàn diện với mọi yếu tố đất, nước, rừng, thượng du, hạ du và hạ lưu; thực hiện đền bù tái định cư phù hợp với lối sống, văn hóa, bảo đảm sinh kế, nhất là nguồn nước tưới, đất trồng lương thực...
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết: Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai và những sự cố về ngập lụt hạ lưu trong thời gian gần đây cho thấy, thủy điện ở Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức đối với môi trường, sinh thái, xã hội và an ninh con người. Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến hiệu quả kinh tế, rủi ro xã hội và môi trường, sinh thái của các công trình thủy điện. Đồng thời, công trình thủy điện cũng tác động tiêu cực làm gia tăng biến đổi khí hậu, như: mất an toàn hồ đập, hồ chứa trong mùa lũ; giảm mạnh sản lượng điện vào mùa khô; gia tăng tranh chấp nguồn nước giữa các nhu cầu dùng nước hạ lưu và giảm hiệu quả kinh tế của các đập thủy điện. Ngược lại, các hồ đập thủy điện cũng là những tác nhân thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu và tăng tác động tiêu cực của nước biển dâng vì thủy điện làm mất rừng, hồ thủy điện giữ vật liệu bồi lắng, tăng xói lở bờ sông hạ lưu và góp phần làm các châu thổ chìm xuống, tăng tác động tiêu chực nước biển dâng và xâm nhập mặn. Bên cạnh những đóng góp tích cực, các công trình thủy điện cũng là một bài toán đánh đổi nhiều mặt, do đó cần phải được nhìn cặn kẽ, thấu đáo và thận trọng.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, trong điều kiện biến đổi khí hậu, vấn đề phát triển thủy điện cần cân nhắc thận trọng hơn để đảm bảo hài hòa an ninh nguồn nước - lương thực - năng lượng và con người vì sự phát triển bền vững.