
Gần 100 tập phim “Mê-kông ký sự” được Hãng TFS (Đài Truyền hình TPHCM) phát sóng trong thời gian qua đã ghi một dấu mốc về phương pháp sáng tác thể loại phim tài liệu và cả hướng đi mới tìm “đầu ra” của nhà sản xuất phim. Tập phim cuối, “Như một giấc mơ”, vừa thực hiện xong là khúc vĩ thanh với phút giây nhìn lại…
- Quê hương-dòng sông

Nhóm làm phim “Mê-kông ký sự” của Hãng TFS trao đổi kinh nghiệm, sau chuyến đi dài qua nhiều đất nước. Ảnh: K.Ư.
Lôi cuốn nhiều khán giả từ Nam ra Bắc và cả một số nước trong khu vực, “Mê-kông ký sự” được ví von là cuộc hành trình thiên lý của những người săn đuổi dòng sông như bóng với hình để tìm ra cội nguồn bí ẩn.
Dòng sông đã đưa những người làm phim tiếp cận được nhiều nền văn hóa một thời nay chỉ còn là phế tích.
Câu chuyện tìm hiểu con sông Mê-kông dài đi từ thượng nguồn cho đến lúc đổ ra biển chỉ là câu chuyện học trên bản đồ, trên những trang sách trong giờ địa lý.
Nhưng thực sự trong cuộc sống, con sông Mê-kông gần như gắn liền với nhiều người dân sống nơi xứ sở của miền sông nước nơi con sông rẽ vào.
NSND Phạm Khắc với vai trò tổng đạo diễn bộ phim đã nhắc lại ý tưởng làm phim gần như nhen nhóm từ lòng yêu quý dòng sông quê hương, như ký ức tuổi thơ của mình và nhiều người; sâu xa hơn, dòng sông là bóng dáng của sự thăng trầm cuộc đời.
Dòng sông có lúc là cơn lũ lụt dữ dằn nhưng có lúc đã mang lại sự trù phú, thịnh vượng và tạo nguồn cảm hứng của con người với những sáng tác về bản tình ca cuộc sống…
Phim được thực hiện qua từng chặng đường của nhiều đất nước: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam.
Ngoài tổng đạo diễn Phạm Khắc, ê kíp làm phim gồm các đạo diễn Dư Kim Hoàng, Lý Quang Trung, Nguyễn Hoàng; quay phim Huỳnh Lâm, Đức Long, Việt Phước, Hồng Chi; biên kịch Trần Đức Tuấn, Nguyễn Hồ.
Những người “liều mạng” này rong ruổi, có lúc tưởng không có cơ hội trở về quê hương vì tai nạn bất ngờ của không khí loãng, thiếu oxy của vùng cao; vì rét buốt của tuyết giá; vì bầy chó ngao tàn bạo tấn công khiến bị thương nặng; bị cơn lốc xoáy đáng sợ giữa đồng bằng; hoặc nhẹ nhất là bị va chạm khiến người bị hất tung xuống sông.
Điều cảm động hơn, bên cạnh sự say mê “đuổi bắt” dòng Mê-kông của những nhà làm phim, sự thành công của “Mê-kông ký sự” một phần còn nhờ những hỗ trợ mạnh mẽ của một đội ngũ làm hậu kỳ. Họ chăm chút từ khâu dàn dựng, theo dõi từng khâu kỹ thuật âm thanh cho đến khâu thuyết minh, phát sóng…
- Đồng hành và cùng khám phá
Đạo diễn Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Hãng phim TFS, cho rằng “Mê-kông ký sự” đã mở ra một hướng đi mới của hãng trong cách làm phim tài liệu.
Sự tiếp nối này có thể tiếp tục ở những bộ phim kế tiếp như “Ký sự hỏa xa” hoặc những phim tài liệu khác. Tuy nhiên, theo ông, trong cách làm phim này xét về phương pháp sáng tác đã mang lại sắc thái mới của thể loại phim tài liệu truyền hình nhiều tập.
Sức hấp dẫn của “Mê-kông ký sự” chính là sức hấp dẫn của sự khám phá và chính khán giả xem phim đã đồng hành cùng những nhà làm phim để theo dõi và khám phá cùng họ. Bộ phim khi phát sóng đã được khán giả cả nước đón nhận nồng nhiệt.
Và, cũng không phải như một giấc mơ của những nhà làm phim bồi hồi tâm sự sau cuộc hành trình kết thúc, bộ phim đã có giá trị khá thực tiễn, sâu sắc khi những nhà văn hóa, đài truyền hình của một số nước trong khu vực, các nhà khoa học, giáo dục đã yêu cầu in đĩa, phổ biến rộng.
Điều này được xem là một đột phá thành công của TFS trong việc đi tìm lối ra cho phim tài liệu Việt Nam.
KIM ỬNG