Khủng hoảng kéo dài

Ngày 12-6, hãng thông tấn Iran Tasnim đưa tin, một đội tàu chiến nhỏ của Iran bao gồm một tàu khu trục và một tàu chiến hậu cần đã trên đường tới vịnh Oman, sau đó sẽ tiến tới phía Bắc Ấn Độ Dương và vịnh Aden, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra tại bán đảo Arab. 
Động thái trên diễn ra gần một tuần sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước vùng Vịnh, và hiện chưa có dấu hiệu cho thấy vấn đề tranh cãi này sớm được giải quyết. Sau khi Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar do cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, ngày 11-6, Ngân hàng Trung ương Bahrain cũng ra lệnh cho các ngân hàng hoạt động tại nước này đóng băng tài sản cũng như các tài khoản ngân hàng của 59 cá nhân và 12 thực thể có liên quan đến Qatar mà bị cáo buộc có dính líu đến chủ nghĩa khủng bố.

Hiện cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh đang khiến nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn trong khu vực. Cùng ngày, sau khi một số nước châu Phi triệu đại sứ tại Doha về nước, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Alpha Conde, người vốn có quan hệ thân thiết với Saudi Arabia, đã đề xuất làm trung gian cho cuộc khủng hoảng, kêu gọi các bên đối thoại. Trước đó, nhiều nước cũng đề xuất sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải. 

Qatar đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất từ trước tới nay, khi 10 nước tuyên bố cắt đứt quan hệ và đẩy Doha vào tình trạng gần như bị cô lập hoàn toàn. Theo giới quan sát, khi cuộc khủng hoảng Qatar kéo dài, nền kinh tế, thương mại của thế giới và vùng Vịnh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, buộc các quốc gia trung lập như Kuwait và Oman, thậm chí là Mỹ, phải vào cuộc quyết liệt hơn để tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, một khi Saudi Arabia và UAE đã trở thành trụ cột trong chính sách Trung Đông của Mỹ, cũng như khi cuộc tập trận chung giữa Mỹ và UAE hồi đầu năm nay ở Yemen có thể khởi đầu cho nhiều hành động chung trong tương lai, thì Qatar phải tìm cách tự bảo vệ mình. Trong tình hình mới của quốc tế và khu vực, có khả năng Qatar tiếp tục xích lại gần với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời ra khỏi phe Sunni Arab do Mỹ đứng đầu, hoặc là thu hẹp toàn diện chính sách đối ngoại của mình.

Cũng có nhiều phân tích cho rằng, khả năng chiến tranh xảy ra là rất thấp khi các nước vùng Vịnh đang ráo riết các nỗ lực ngoại giao. Tuy nhiên, có tình huống cần phải tính tới là các tổ chức khủng bố có thể lợi dụng tình hình hiện nay để thực hiện một vụ đánh bom đẫm máu ở đâu đó tại vùng Vịnh. Khi một vụ tấn công gây nhiều thương vong cho dân thường xảy ra, mọi mũi dùi sẽ chĩa vào Qatar và tình hình có thể xấu hơn nữa. 

Trong khi người ta đang mong chờ những giải pháp khả dĩ nhất cho vùng Vịnh hiện nay từ Hội nghị GCC mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề cập cuối tuần trước, thì Iran đã cam kết sẽ tăng cường xuất khẩu sang Qatar. Ngày 12-6, Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi tuyên bố, Qatar có thể nhập khẩu hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Viễn Đông hoặc châu Âu, đồng thời sẽ đa dạng hóa nền kinh tế hơn nữa nhằm đối phó với khủng hoảng.

Tin cùng chuyên mục