Đời sống sân khấu TPHCM luôn được nhìn nhận là năng động nhất nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại đáng quan tâm về thực trạng kịch bản sân khấu hiện nay.
Nghịch lý
Sân khấu TP đang tồn tại những nghịch lý mà khi nhắc đến, không ít ông bầu sân khấu phải thở dài. Với Sân khấu kịch IDECAF, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn từng đầu tư khoảng nửa tỷ đồng để thực hiện vở kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi hay Ngàn năm tình sử, sau đó đưa ra trình diễn phục vụ khán giả ở Nhà hát Bến Thành. Tuy nhiên, sự miệt mài luyện tập của đạo diễn, nghệ sĩ không được đền đáp tương xứng, doanh thu của các vở này không mấy khả quan so với nhiều vở kịch giải trí đơn thuần khác. Sân khấu kịch Phú Nhuận của bầu Hồng Vân cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Khi thực hiện vở Nỏ thần, NSND Hồng Vân đã chi hàng trăm triệu đồng đầu tư hoành tráng, chất lượng. Vở này sau đó đoạt Huy chương vàng Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 nhưng doanh thu lại không bằng các vở… nhát ma khán giả, nghiêng về giải trí đơn thuần. Vở Nỏ thần đã diễn trên 1.000 suất và hiện vẫn đang tiếp tục.
Hiện nay, việc đầu tư cho một vở diễn giải trí đơn thuần chỉ vài chục triệu đồng, ít thời gian tập luyện mà “tuổi thọ” lại cao hơn, doanh thu khá hơn. Thực tế này đã góp phần dẫn đến tình trạng thiếu và yếu trầm trọng kịch bản sân khấu hay. Theo NSƯT Thành Hội của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, phần lớn kịch bản gửi đến cộng tác, muốn dàn dựng phải chỉnh sửa đến 60% nội dung mới có thể diễn được. Tác giả Vương Huyền Cơ cho rằng, kịch bản sân khấu hiện nay thừa lượng, thiếu chất, một số tác giả đang trở thành “thợ viết” và chất lượng ngày càng kém bởi ít tư duy sáng tạo, thiếu thời gian đầu tư, mô túyp cũ kỹ, nhân vật nhạt, lời thoại sáo mòn hoặc buông tuồng dễ dãi. Trước thực trạng này, người làm sân khấu không đủ bình tĩnh, bản lĩnh, mải chạy theo thị hiếu khán giả, chạy theo cái lợi trước mắt thì e rằng, tương lai sẽ phải trả giá không nhỏ.
Cần được hỗ trợ
Nhiều người trong giới cho rằng, nếu như dung hòa được yếu tố giải trí và tính nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ, kịch bản sân khấu sẽ sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn. Tuy nhiên làm thế nào để sân khấu thoát khỏi thực tế đáng buồn này? Theo tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nguyên nhân một phần do các nghệ sĩ, bầu sân khấu đang dần giảm tâm huyết với nghề, không dám phiêu lưu để đảm bảo doanh thu và không sợ lỗ. Sân khấu xã hội hóa đầu tư dàn dựng được những vở chất lượng, mang tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ khán giả như Nỏ thần (kịch Phú Nhuận), Ngàn năm tình sử (kịch IDECAF), Nhà nước nên xem xét tài trợ để các đơn vị thu hồi vốn và mạnh dạn đầu tư tiếp. Được như vậy, sân khấu xã hội hóa có thêm động lực đi vào những đề tài khó, sân khấu mới có được nhiều vở diễn hay, nặng ký.
Làm thế nào để xác định đâu là vở diễn có tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ khán giả, đâu là vở diễn giải trí đơn thuần? Tác giả Lê Duy Hạnh nói thêm, có thể dựa vào sự đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, Sở VH-TT-DL TPHCM sau khi phúc khảo để chọn ra vở nào nên tài trợ. Cùng quan điểm này, một số nghệ sĩ cho rằng, không chỉ định hướng cho sân khấu, Nhà nước cần tiếp sức kịp thời để các sân khấu phát triển. Ví dụ khen thưởng tác giả có kịch bản hay, tạo điều kiện thuận lợi về điểm diễn, hỗ trợ cho những đơn vị mua vé tập thể xem những vở giáo dục truyền thống… Có sự quan tâm của Nhà nước làm động lực, các sân khấu - đoàn nghệ thuật chắc chắn sẽ chăm chút hơn cho tác phẩm của mình. Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho đời sống sân khấu TP, tạo cơ hội để các đạo diễn, nghệ sĩ luyện nghề đồng thời khán giả cũng được hưởng lợi.
Đỗ Hạnh