Vở kịch Cầu vồng khuyết (tác giả và đạo diễn: nghệ sĩ Kim Khánh) vừa ra mắt tại sân khấu kịch IDECAF, đã thu hút đông đảo sự quan tâm của khán giả bởi đi vào đúng mối quan tâm của cộng đồng. Trong 90 phút, các diễn viên đã làm nóng cả không gian sân khấu với nhiều tình tiết kịch lúc gay cấn, lúc là khoảng lặng làm day dứt lòng người xem.
Cường (Dương Cường) một giám đốc kinh doanh trẻ, yêu sâu đậm Lâm (Dương Lâm). Cuộc tình đồng giới này dang dở khi Cường quyết định lấy vợ - Uyên (Kim Hiền), để che giấu giới tính thật. Thế nhưng, tận trong sâu thẳm tâm hồn và trái tim của người chồng trẻ, tình yêu với Lâm vẫn luôn còn đó, dồn nén theo tháng ngày… Một con người với hai thân phận trong cuộc đời, nhiều lúc Cường cũng đắn đo, đong đếm, sẻ chia đến mệt mỏi bản thân và trái tim mình cho cả hai người: vợ và Lâm.
Một cảnh trong kịch Cầu vồng khuyết.
Riêng với Lâm, anh muốn Cường trở lại hẳn với mình, nhưng Cường không đồng ý vì uy tín, danh dự và thể diện của bản thân, gia đình. Thất vọng, Lâm lấy rượu giải sầu rồi kết bạn với một nhóm thanh niên nghiện ngập, trong đó có Tuấn. Nhóm bạn này hay tiêm chích ma túy chung và quan hệ tình dục bừa bãi… Mọi việc được đẩy lên cao trào khi Tuấn bị chị hai - Lan (Kim Khánh) đuổi ra khỏi nhà vì sợ anh làm ô uế gia đình. Mẹ Tuấn (Lương Duyên) đau khổ cố gắng níu kéo con về với cuộc sống đàng hoàng, giúp Tuấn cùng đương đầu với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS mà anh đã mắc phải.
Cũng từ kết quả xét nghiệm dương tính của Tuấn, những con người có mối quan hệ tình cảm xâu chuỗi Lâm - Cường - Uyên, nhóm bạn của Tuấn đã rất hoang mang, lo sợ vì không biết có bị lây nhiễm hay không… Tất cả cùng vỡ òa với một kết thúc câu chuyện có hậu, chỉ có mỗi mình Tuấn bị nhiễm HIV, anh được mẹ và chị giúp đỡ, từ bỏ lối sống ăn chơi trụy lạc, tham gia vào các hoạt động công tác xã hội, giúp đỡ trẻ em bị nhiễm HIV. Cường quyết tâm quay về tổ ấm với vợ con, Lâm cũng trở thành thành viên gia đình nhỏ này, cùng sống chan hòa yêu thương, nhóm bạn trẻ cũng thôi tụ họp hút chích, ăn nhậu thâu đêm suốt sáng…
Vở kịch đặc biệt này do Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) tại Việt Nam và Công ty Giải trí Đỉnh Cao phối hợp thực hiện. Câu chuyện cho người xem thấy rõ những hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV cao và khuyến khích mọi người đi xét nghiệm HIV để nếu phát hiện ra sẽ được tiếp cận với những cách chữa trị hợp lý và kịp thời nhất; kêu gọi chấm dứt sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người đang sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV.
Việc xây dựng và trình diễn vở kịch Cầu vồng khuyết là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS 1-12-2014, đồng thời đánh dấu kỷ niệm 10 năm hoạt động của PEPFAR tại Việt Nam (đã hỗ trợ trực tiếp hơn 47.000 người điều trị kháng virus và hơn 10.000 người được điều trị thuốc methadone).
Đạo diễn - nghệ sĩ Kim Khánh chia sẻ: “Vở kịch được đầu tư dàn dựng trong nhiều khó khăn, trước nhất là khâu diễn viên, ê kíp tham gia vở diễn này đã đổi đến 3 - 4 lần vì các bạn tập được một thời gian rồi lại không tham gia được vì bận. Hơn thế nữa, đây là đề tài khá gai góc - câu chuyện về những cuộc đời, về thân phận, tình yêu người đồng tính, rất khó thể hiện. Tôi đã phải suy tính thật chu đáo làm sao để các nhân vật có thể lột tả được hết câu chuyện nhưng không thô, không phô, dễ dàng đến được với khán giả, nhất là khán giả trẻ. Sau xuất diễn tối 1-12, vở sẽ tiếp tục phục vụ khán giả vào tối 6-12 tại sân khấu kịch IDECAF. Đến năm 2015, nếu PEPFAR tiếp tục hỗ trợ thì chúng tôi sẽ tổ chức thêm các suất diễn phục vụ khác cho nhiều đối tượng khán giả. Dự định, vở sẽ được đầu tư để làm dày, làm đầy thêm về nội dung và thời lượng để có thể đem vở đi diễn phục vụ sinh viên các trường đại học khu vực phía Nam và một số tỉnh miền Trung. Nhưng, nếu không có sự đầu tư hỗ trợ tiếp từ PEPFAR thì chúng tôi cũng sẽ nỗ lực tìm kiếm một sân khấu - điểm diễn để có thể phục vụ khán giả TP thêm nhiều suất diễn”.
Tại TPHCM, HIV/AIDS vẫn tập trung ở nhóm có nguy cơ cao và đang có xu hướng tăng trong nhóm có quan hệ tình dục đồng giới. Việc đan xen giữa hành vi sử dụng ma túy với quan hệ tình dục không an toàn là một thách thức lớn cho công tác phòng chống và điều trị HIV/AIDS. Bên cạnh đó, sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn tồn tại dưới nhiều dạng thức, kín đáo và tế nhị. Chính những điều này sẽ làm cho dịch HIV tiếp tục lây lan một cách âm thầm trong cộng đồng.
Thế nên, kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn tiếp tục là một trong những mục tiêu ưu tiên của TPHCM để hướng tới kết thúc đại dịch vào năm 2030. Trong đó, năm 2014 được xem là năm khởi động thực hiện định hướng chiến lược kết thúc đại dịch tại TPHCM.
THÚY BÌNH