Tối 8-2, vở kịch Đời như ý tái diễn tại Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ. Dù đã công diễn phục vụ nhiều suất, nhưng Đời như ý vẫn thu hút khán giả đến xem kín cả khán phòng. Đặc biệt, lượng khán giả trẻ đến xem kịch rất đông.
Một cảnh trong vở kịch Đời như ý.
Những năm qua, các sân khấu kịch xã hội hóa tại TPHCM phát triển rất mạnh. Đội ngũ làm nghề cũng được trẻ hóa, từ ông bầu sân khấu đến dàn diễn viên trẻ năng động, chịu thương chịu khó với nghề. Đặc biệt, các tác giả, đạo diễn trẻ khéo nắm bắt nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trẻ để sáng tác, sáng tạo nghệ thuật những vở kịch có nội dung đi vào đời sống, tâm lý giới trẻ. Chính điều này thu hút được ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến với các sân khấu kịch.
Bạn Minh Quân ở quận 5 cho biết: “Trước đây tôi chỉ thích xem phim và ca nhạc. Năm ngoái, được mấy người bạn rủ đi xem kịch, sau đó tôi thích luôn, nhất là kịch tình cảm tâm lý tuổi trẻ, hài vui. Kịch hấp dẫn tôi ở sự gần gũi giữa khán giả và diễn viên. Tuy không phải vở kịch nào cũng hay, nhưng trong từng vở kịch, tôi nhận được những thông điệp tốt đẹp về cuộc sống”.
Phần lớn những bạn trẻ đi xem kịch cho biết không đòi hỏi vở diễn phải nặng về nghệ thuật hay nghiêm túc. Cuộc sống thường nhật đã quá tất bật với bao lo toan, thế nên xem kịch được xem là thú vui giải trí đơn thuần. Khán giả trẻ chọn mua vé xem kịch với nhu cầu đơn giản là muốn tìm cảm giác thư giãn, được cười sảng khoái với các chiêu trò hài hước, vui nhộn, được hồi hộp căng thẳng một chút với kịch kinh dị, được thấy những góc khuất tâm lý xã hội của nhân vật và đôi lúc được cảm nhận nhân vật ấy như là chính mình. Nhiều khán giả trẻ chọn đi xem kịch còn vì một lý do rất dễ thương: yêu thích những diễn viên tên tuổi mình mến mộ.
Đạo diễn Ngọc Hùng chia sẻ: “Đề tài dành cho thanh niên, tuổi trẻ rất nhiều, nhưng tôi thường đi sâu về nội dung tình yêu - một đề tài rộng, dễ làm. Dựa trên những quan niệm về tình yêu của các bạn trẻ, các em tuổi mới lớn, với những va vấp bồng bột, những mâu thuẫn, cùng các quan niệm sống về đời sống xã hội thực tiễn, tôi xây dựng thành kịch bản để nói lên những điều mình muốn chuyển tải đến khán giả. Bên cạnh tình yêu thì công việc, con đường phát triển sự nghiệp, tương lai, cũng được giới trẻ quan tâm.
Tết này, Sân khấu Thế Giới Trẻ công diễn vở Mỹ nam đại chiến, nội dung thể hiện những suy nghĩ của tôi và giới trẻ yêu thích và đam mê nghệ thuật: có người muốn nổi tiếng thật nhanh bằng mọi giá, có người muốn phát triển nghệ thuật bằng chính thực lực của mình. Tôi cũng xây dựng một số vở nói về giới tính, về tuổi học trò mới lớn, thường muốn khám phá về bản thân về giới tính, chuyện tình dục, giới tính thế giới thứ ba, các mối quan hệ bạn bè, trường lớp… Khán giả trẻ ngày nay thích xem kịch nói về chính họ và cuộc sống xung quanh họ”.
Từ thực tế cho thấy, nội dung kịch đi vào đời sống tâm lý của giới trẻ luôn được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Chính các bạn tự cảm nhận và tìm thấy được những góc cạnh, quan điểm, tư duy, trăn trở của chính mình từ cuộc sống đời thực được tái hiện trên sân khấu với những nút thắt được mở ra ở phần kết thúc vở kịch. Ở đó, thông điệp về cuộc sống, thấm đẫm chất nhân văn, sự bao dung, đồng cảm… luôn được ê kíp thực hiện các vở diễn, ở các sân khấu kịch trân trọng gửi gắm đến khán giả trẻ,
Hiện nay, các sân khấu kịch nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả bằng các thể loại đa dạng có nội dung gần gũi với đời sống, sử dụng ngôn ngữ vừa văn học nghệ thuật, vừa đời thực, sự quan tâm và yêu thích của giới trẻ trong cuộc sống. Cách thức làm việc năng động này giúp các sân khấu có sự tươi mới liên tục, thu hút khán giả trẻ. |
THÚY BÌNH