Kịch mới “Một mảnh đàn bà” - Lùng nhùng thập cẩm

Với một cái tên khá thu hút - “Một mảnh đàn bà” và sự mong mỏi sân khấu kịch có thêm vở mới nên khi Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần giới thiệu đã được công chúng đón xem. Tuy nhiên…

Lần này, Hạnh Thúy chỉ xuất hiện trong vai trò tác giả có phần khiêm nhường khi kịch bản của mình chuyển cho Nguyễn Trung làm vở tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu đây là một bài thi tốt nghiệp cho sinh viên thì không có gì đáng bàn, có chăng là sự khen ngợi các nghệ sĩ có tên tuổi như NSƯT Việt Anh, diễn viên Công Ninh, Mỹ Uyên, Quý Bình… đã hết lòng vì “đàn em” mà tham gia. Thế nhưng, khi xem “Một mảnh đàn bà”, vở diễn chưa xứng đáng với sự chờ đợi của nhiều người. Tác giả Hạnh Thúy đã mở ra cho người xem những ẩn khuất trong tâm hồn nghệ sĩ tạo hình, đó là một thế giới mới của sân khấu kịch lâu nay.

Câu chuyện mở ra với sự vui nhộn của một gia đình với cô gái không chồng (Lê Phương) và anh chàng thích được coi là Châu Luân Kiệt (NSƯT Việt Anh) ở trong Hội “Những người độc thân”. Màn giao đãi mở đầu đầy hài hước khiến khán giả cười đôi chút để hiện dần lên một gia đình nghệ sĩ. Triền Nam (Công Ninh) một họa sĩ chỉ thích nhặt các giải thưởng trong các cuộc triển lãm mỹ thuật. Ông mải mê chạy theo những giá trị danh vọng hơn là tìm hạnh phúc trong cuộc đời với vợ con. Người vợ Tử Quy (Mỹ Uyên) cũng là một nữ họa sĩ nhưng luôn đau khổ vì cảm thấy bị cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Mỗi diễn viên, mỗi nhân vật như được phô trương diễn vài lớp rồi ghép vào nhau. Chính vì thế khi nghe diễn viên thoại khán giả hay phì cười vì thấy sự ngô nghê của nhân vật.

Tuyết Vân trong vai cô con gái Yên Lam của Tử Quy là nhân vật làm khán giả cười nhiều nhất vì sự quá tự tin và độ lì của cô. Cho dù cô yêu Cao Anh đến mù quáng, nhưng nếu chưa một lần được yêu lại thì làm gì có chuyện cô cứ nèo nẹo đòi anh cưới, cho dù ngay cả trước mặt mẹ mình. Hoàn cảnh đã giả thì làm sao diễn viên đóng cho thật được? Đấy là chưa kể cái duyên nghề của diễn viên Tuyết Vân còn non, chưa đủ sức hút công chúng. Vai diễn tội nghiệp nhất là vai Cao Anh của Quý Bình. Anh xuất hiện nhiều trong hai màn diễn, nhưng Cao Anh gần như chẳng có câu thoại nào ra hồn khi Yên Lam cứ tươm tướp cướp lời. Ở màn sau, nhân vật này lại tỏ tình tới tấp với mẹ của Yên Lam khiến khán giả không khỏi nực cười.

Đây là vở diễn tạo được tiếng cười do nét hài sở trường của NSƯT Việt Anh, Công Ninh, nhưng cũng là vở nhiều tiếng cười bật ra ngoài ý muốn của đạo diễn và diễn viên vì khán giả thấy nhân vật sao sến và ngô nghê quá. Sự khó chịu nhất khi xem một vở về đề tài hội họa đương đại mà đạo diễn dựng minh họa tác phẩm hội họa bằng nghệ thuật múa minh họa. Phải chăng sợ khán giả không hình dung và hiểu hội họa cho nên những điều tâm huyết về nghệ thuật của nhân vật cứ diễn mãi bằng trò múa minh họa, dễ gây nhàm chán.

Rõ ràng trong bước đường ủng hộ cho các nghệ sĩ trẻ, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần đã thành công với nhiều vở diễn nhưng với vở này thì lại thấy sự non nớt, từ kịch bản đến sự chỉ đạo diễn xuất, dàn dựng và nhất là phần chọn nhạc. Đây cũng là một vở diễn cho thấy sự “lùng nhùng thập cẩm” của sân khấu hiện nay giữa chính kịch và hài kịch.

Việt Nga

Tin cùng chuyên mục