Đầu năm 2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ phát đi thông điệp mạnh mẽ: “Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học (ĐH), năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Bộ yêu cầu các trường phải tham gia kiểm định, những trường nào nếu xét thấy không trụ nổi thì chính các trường đó nên khai tử một cách tự nhiên, không kéo dài thời kỳ lâm sàng”.
Hoàn thành kiểm định trong năm 2017
Quyết tâm của Bộ GD-ĐT đã được cụ thể hóa bằng việc bộ này thành lập 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Đà Nẵng và Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) Việt Nam. Những trung tâm này sẽ thực hiệm kiểm định, đánh giá chất lượng của các trường ĐH, CĐ một cách độc lập, khách quan và không chịu sự “chi phối” nào từ Bộ GD-ĐT. Theo PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đội ngũ đảm bảo cho hoạt động kiểm định chất lượng được chuẩn bị tương đối đầy đủ với hơn 700 người đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó có 240 người đã được cấp thẻ kiểm định viên.
Để thay thế cho Thông tư 65/2007, mới đây Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo quy định về kiểm định chất lượng cả về bộ tiêu chuẩn đánh giá, quy trình, chu kỳ kiểm định, áp dụng cho việc đánh giá đối với các học viện, trường ĐH. Điểm mới đáng chú ý là bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở GD được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do AUN-QA (sáng kiến của Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á về đánh giá chất lượng giáo dục ĐH) mới ban hành tháng 7-2016, gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục ĐH, được chia thành 4 nhóm.
Về bộ tiêu chuẩn trong dự thảo của Bộ GD-ĐT, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM phân tích: “AUN-QA đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn kiểm định hiện đại, toàn diện và chi tiết hơn, nhấn mạnh đến quá trình cải tiến chất lượng, đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài, theo nguyên lý, chứ không thiên về kết quả tĩnh hiện tại. Với những ưu điểm đó, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương xây dựng bộ tiêu chuẩn mới (25 tiêu chuẩn) sử dụng sát bộ tiêu chuẩn đánh giá cấp trường và cấp chương trình của AUN-QA, có chú ý đến bối cảnh Việt Nam. Tuy vẫn còn một số quan điểm chưa nhất trí với việc áp dụng bộ tiêu chuẩn này, nhưng có thể xem đây là giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Nếu cầu toàn, đòi hỏi bộ tiêu chuẩn và quy trình phù hợp hơn nữa, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian, trong khi yêu cầu cấp bách là cần củng cố ngay chất lượng đào tạo của ngành”.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM được trao chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia
Chỉ có chất lượng mới phát triển bền vững
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng, các cơ sở cần nhận thức rõ kiểm định là thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH; là nhiệm vụ của ngành giáo dục và là trách nhiệm của tất cả các trường trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, các trường cần tăng cường cải tiến chất lượng nhằm thực hiện được sứ mạng của mình, đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong bối cảnh cạnh tranh trong GD-ĐT ngày càng quyết liệt, thì chỉ có nâng cao chất lượng mới là hướng đi đúng đắn để các trường tồn tại và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, hiện nhiều cơ sở đào tạo đã mạnh dạn đầu tư để đạt chuẩn kiểm định của khu vực và thế giới. Đến nay, cả nước có hơn 90 trường đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực có uy tín. Trong đó, ĐH Quốc gia TPHCM là đơn vị đi đầu cả nước trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo với chuẩn khu vực và quốc tế như: 2 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET, 7 chương trình chất lượng cao Việt - Pháp đạt tiêu chuẩn Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp, 30 chương trình đạt chuẩn AUN-QA… Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - cơ sở đầu tiên của phía Nam đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia và giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TPHCM) - cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, tất cả các chương trình đào tạo của trường đạt chuẩn AUN-QA và 6 chương trình theo tiêu chuẩn ABET (Mỹ). Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cơ sở ngoài công lập đầu tiên đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia - cũng đặt mục tiêu hoàn thành kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn của AUN-QA đến năm 2020…
Trao đổi về quá trình thực hiện kiểm định chất lượng của các trường, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết: Trong các tiêu chí đánh giá đều đòi hỏi xem xét toàn bộ quá trình, ví dụ từ xây dựng chương trình đào tạo, triển khai giảng dạy, học tập, cho đến mức độ hài lòng của người sử dụng sinh viên tốt nghiệp cũng như chính sinh viên đã tốt nghiệp. Các đoàn đánh giá ngoài đều phải quan tâm đến toàn bộ quá trình, khai thác tối đa các dữ liệu, thông tin, minh chứng có thể được trong suốt quá trình đánh giá. Các đoàn thực tế cũng đã sử dụng nhiều phương pháp khách quan, đa chiều nhằm lấy ý kiến của nhiều đối tượng liên quan (sinh viên đang học, sinh viên đã tốt nghiệp, nhà tuyển dụng lao động...), đảm bảo việc đánh giá chất lượng là thực chất nhất có thể. Việc đánh giá được thực hiện một cách độc lập, không hề có sự thiên vị khi tiến hành đánh giá. Do đó, không thể có chuyện cho qua, hay trường nào không đạt cũng được đánh giá đạt và trao chứng nhận được.
| |
THANH HÙNG