Các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chủ trì hội thảo.
Trong phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nêu rõ ý nghĩa công tác phòng, chống tham nhũng của MTTQ có vai trò quan trọng, khẳng định sự tham gia của quần chúng nhân dân. Theo đó, thực tiễn cũng đã khẳng định, chính nhân dân mới là những người tích cực nhất trong việc phát hiện, tố giác và tố cáo những hành vi tham nhũng, những biểu hiện bất thường và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác minh, xem xét xử lý. Tự thân tổ chức MTTQ Việt Nam không thể tham gia phòng, chống tham nhũng có hiệu quả nếu không dựa vào các tổ chức thành viên, người có uy tín, tiêu biểu, cốt cán ở cơ sở và sự tham gia trực tiếp của người dân.
Dùng quyền lực kiểm soát quyền lực
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong Hiến pháp hiện hành, quyền lực nhân dân được thể chế hóa bằng nhiều quy định pháp luật và thông qua MTTQ; quyền lực ấy được hiện thực hóa bằng cơ chế giám sát, phản biện trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Tuy nhiên, để cơ chế này phát huy hiệu quả, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam đối với công tác giám sát, phản biện xã hội trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
“Muốn chống được tha hóa quyền lực, cần phải có cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước. Dù Hiến pháp đã có quy định về quyền này thuộc về nhân dân nhưng chúng ta chưa có Luật Nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước, nên vai trò của nhân dân chưa được khẳng định”, GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.
Cũng với quan điểm này, theo TS Cao Vũ Minh, Trường Đại học Luật TPHCM, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt được kết quả tích cực. Nguyên nhân một phần do chưa phát huy được vai trò của nhân dân tham gia vào kiểm soát quyền lực, việc tha hóa quyền lực trong bộ máy chính quyền chưa được ngăn chặn. TS Cao Vũ Minh nói: “Chúng ta đều biết, tham nhũng xuất hiện ở mọi nơi, mọi lĩnh vực, dù có nhiều cơ quan thực thi nhiệm vụ thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý nhưng số vụ phát hiện tham nhũng, tiêu cực lại rất ít, chủ yếu do báo chí và người dân phát hiện. Nếu được luật hóa quyền của nhân dân trong kiểm soát quyền lực Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí sẽ đạt kết quả tốt”.
Để kiểm soát tốt quyền lực, theo luật sư Nguyễn Hữu Danh cần bổ sung Điều 23, Luật MTTQ Việt Nam trao quyền chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý người có hành vi tham nhũng, lãng phí do MTTQ yêu cầu xử lý. Còn theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu, trong lĩnh vực đất đai, thuế, tài chính… rất dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí Tô Thị Bích Châu cho biết công tác giám sát của MTTQ TPHCM thời gian qua tập trung vào những lĩnh vực này, đã góp phần giảm đáng kể tham nhũng, tiêu cực.
Hoàn thiện cơ chế MTTQ tham gia phòng chống tham nhũng
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến nội dung của Quy định số 2020, ngày 4-5-2018 của MTTQ Việt Nam về xử lý thông tin liên quan đến phòng chống tham nhũng. Đây là bước đầu của sự hoàn thiện cơ chế MTTQ tham gia phòng chống tham nhũng. TPHCM đã triển khai thực hiện cơ chế này, thông qua Quy chế 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về xử lý thông tin suy thoái, tham nhũng từ 4 nguồn: Qua MTTQ, HĐND, khiếu nại tố cáo của người dân và báo chí. Khi có thông tin phản ánh thì tổng hợp lại, chuyển cho Thường trực Thành ủy TPHCM để chỉ đạo xử lý. Ở đây, vai trò của MTTQ rất quan trọng, vì nơi đó tập hợp được nhiều ý kiến phản ánh của nhân dân qua các tổ chức thành viên. Quyền lực giám sát của nhân dân cũng từ đây, cái chính là làm sao để nhân dân phát huy tốt nhất quyền này trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, luật xác định vai trò của MTTQ tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có, còn cơ chế và cách làm thì phải đi từ thực tế, hình thức nào thấy làm được thì chủ động thí điểm làm. Trong đó như cách làm của TPHCM qua Quy chế 1374, bước đầu cho thấy đã phát huy tốt quyền giám sát của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao các phát biểu tham luận đã làm sáng tỏ nhiều nội dung quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, khẳng định vai trò của MTTQ đã chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, tổ chức giám sát nhiều nội dung, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng, những vấn đề mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Sắp tới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia có hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.