Kiên Giang: Hệ thống cống thủy lợi đã lạc hậu

Những năm qua, tỉnh Kiên Giang triển khai xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản của địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng một số kênh mương không phù hợp nên chưa phát huy hết tác dụng; một số công trình thiết kế lạc hậu, xây dựng chỗ thừa chỗ thiếu gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân và lãng phí ngân sách nhà nước.
Kiên Giang: Hệ thống cống thủy lợi đã lạc hậu

Những năm qua, tỉnh Kiên Giang triển khai xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản của địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng một số kênh mương không phù hợp nên chưa phát huy hết tác dụng; một số công trình thiết kế lạc hậu, xây dựng chỗ thừa chỗ thiếu gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân và lãng phí ngân sách nhà nước.

Năm 2006, khi phong trào nuôi tôm ở các huyện Hòn Đất và Kiên Lương phát triển mạnh thì tỉnh Kiên Giang triển khai dự án thủy lợi Vàm Răng - Ba Hòn, xây dựng các cống dẫn mặn, xả lũ dọc theo hệ thống cống thoát lũ ra biển Tây, phục vụ cho gần 50.000ha nuôi tôm ở vùng này. Đến nay, dự án đã hoàn thành 14 cống thủy lợi và đang xây dựng thêm 3 cống, mỗi cống có chi phí thấp nhất cũng 5 tỷ đồng, cao nhất 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 90% diện tích trong tổng số gần 50.000ha quy hoạch nuôi tôm ở vùng này đã chuyển sang trồng lúa, trong khi cống thủy lợi vẫn tiếp tục được triển khai xây dựng. Hàng trăm tỷ đồng bỏ ra, nhưng công trình không còn phát huy hiệu quả theo mục đích ban đầu. Điều này gây lãng phí bởi quy hoạch không còn phù hợp với thực tế.

Nhiều cống ngăn mặn thuộc dự án Vàm Răng - Ba Hòn không còn phù hợp thực tế

Theo ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang: “Cần kiểm tra lại quy hoạch xem có còn phù hợp không, bởi quy hoạch này dành cho nuôi tôm đã lâu rồi, lúc đó nghề nuôi tôm đang phát triển; còn nay nuôi tôm gặp khó nên đa số hộ dân đã chuyển đổi sang cây lúa”. Không chỉ không còn phù hợp với nhu cầu thực tế, ngay cả vị trí xây dựng các công trình thủy lợi này cũng không bố trí hợp lý, chỗ thừa chỗ thiếu. Ví dụ như cống 500 ở xã Bình Trị, huyện Kiên Lương vừa được xây dựng xong với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, đang chuẩn bị đưa vào vận hành nhưng công trình này chỉ cách cống Lung Lớn 1 và cống T5 chưa đến 1km. Nhiều ý kiến cho rằng, với khoảng cách quá gần như vậy, không cần thiết phải tốn kém kinh phí lớn để đầu tư cống này. Điều lạ hơn nữa là cống 500 được đầu tư để dẫn nước thẳng vào khu đất nuôi tôm của Công ty cổ phần Trung Sơn, chứ không phải phục vụ số đông người nuôi tôm ở đây(!?).

Trong khi đó, từ 3 năm qua, huyện Kiên Lương đã kiến nghị Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đầu tư xây dựng cống Nông Trường để ngăn mặn, phục vụ cho dân trồng lúa ở các xã Hòa Điền (huyện Kiên Lương); Phú Mỹ, Phú Lợi, Vĩnh Điều (huyện Giang Thành) nhưng vẫn chưa được quan tâm. Theo ông Trần Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, vùng này có hơn 2.000ha trồng lúa, do hệ thống thủy lợi chưa khép kín nên trong quá trình sản xuất gặp lúc cần nước mặn thì nước mặn không tới, những lúc không cần thì nước mặn lại xâm nhập, ảnh hưởng đến năng suất lúa trên địa bàn.

Tại huyện Hòn Đất có cống T4, ở phần cửa cống không đóng chặt được, dẫn đến nước mặn xâm nhập, ảnh hưởng diện tích trồng lúa của người dân. Trong khi cống kênh T2 thi công chậm tiến độ nhiều năm khiến cả người nuôi tôm và trồng lúa gặp khó khăn… Hiện dự án Vàm Răng - Ba Hòn đã được phê duyệt mở rộng giai đoạn 2 sang hướng Hà Tiên, Giang Thành với quy hoạch có 37 cống thủy lợi được xây dựng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của địa phương, tránh gây lãng phí như thời gian qua.

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thừa nhận: “Hệ thống cống phục vụ nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch trước đây so với hiện nay, đã có một số nơi không còn phù hợp. Tỉnh đang điều chỉnh hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Hà Tiên theo hướng những cống không cần thiết sẽ bỏ và lấy nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bằng đường ống từ biển vào”.

VĨNH THUẬN

Tin cùng chuyên mục