Kiến nghị quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng Trung Nguyên

Ngày 12-1, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm số 01, ngày 11-3-2021.

Đồng thời, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình theo hướng hủy quyết định giám đốc thẩm số 01 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 39 ngày 5-12-2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM và bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 291 của Tòa án nhân dân TPHCM về phần chia tài sản chung. Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 39 mà Tòa án Nhân dân cấp cao TPHCM tuyên ngày 5-12-2019.

Theo quyết định kháng nghị, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, tòa cấp phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ở các nội dung: không đình chỉ giải quyết phần phản tố mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã rút một phần phản tố ngày 14-9-2017; tòa cấp phúc thẩm không xác minh để đưa những người đang quản lý các bất động sản không phải do bà Thảo, ông Vũ quản lý tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Bên cạnh đó, việc không đưa người có liên quan trong vụ án là chủ một số tài khoản ngân hàng tham gia tố tụng, tòa cấp phúc thẩm vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục.
Kiến nghị quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng Trung Nguyên ảnh 1 Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong 3 lần tòa xử phúc thẩm đều có mặt và tới từ rất sớm

Mặt khác, cơ quan công tố tối cao cũng cho rằng, trong số dư các tài khoản tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam có tên Lê Hoàng Văn (hơn 1,4 triệu Bảng Anh và hơn 7 triệu USD), nhưng tòa 2 cấp (sơ thẩm và phúc thẩm) không làm rõ nguồn gốc hình thành số tiền, quá trình quản lý, sử dụng và hiện tại còn lại bao nhiêu và ai là người quản lý, mà vẫn xác định số tài sản trên là tài sản chung của vợ chồng và chia cho bà Thảo số tiền này là không đúng, làm thiệt hại đến quyền lợi của bà Thảo.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, hôn nhân giữa bà Thảo và ông Vũ là hợp pháp, có đăng ký kết hôn. Sau đó, 2 người ly hôn, tại phiên phúc thẩm, bà Thảo yêu cầu được đoàn tụ nhưng ông Vũ không đồng ý. Việc yêu cầu của bà Thảo không được đồng ý, do đó không còn là thuận tình ly hôn, nhưng tòa cấp phúc thẩm vẫn quyết định “Giữ nguyên bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 291 của Tòa án nhân dân TPHCM về sự thỏa thuận của ông Vũ và bà Thảo trong quan hệ hôn nhân” và tuyên “công nhận thuận tình ly hôn”.

“Trong trường hợp này, nếu tòa phúc thẩm xác định có căn cứ cho ly hôn thì phải sửa bản án sơ thẩm theo hướng “không chấp nhận kháng cáo” của bà Thảo về nội dung quan hệ hôn nhân, chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Vũ về quan hệ hôn nhân để giải quyết cho ông Vũ được ly hôn với bà Thảo, như vậy mới đúng”, kháng nghị nêu.

Kháng nghị cũng cho hay, về thẩm định giá tài sản giữa vợ chồng bà Thảo và ông Vũ, cơ quan chức năng có những thiếu sót. Theo đó, cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên bản án vẫn căn cứ vào kết quả thẩm định giá theo một số công ty thẩm định giá để giải quyết vụ án là không đúng, bởi các báo cáo tài chính được sử dụng trong thẩm định giá doanh nghiệp phải bao gồm “Báo cáo tài chính năm được kiểm toán”, trong khi việc xác định giá tài sản tại phiên phúc thẩm và sơ thẩm không có báo cáo tài chính năm.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng kháng nghị nội dung chia tài sản chung. Theo đó, kháng nghị cho rằng tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét đánh giá toàn diện về số cổ phần, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng của đương sự mà chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo bằng giá trị là không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Việc tòa án 2 cấp xem xét tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên chia cho ông Vũ phần nhiều hơn, chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên là không bảo đảm quyền lợi của bà Thảo.

Bên cạnh đó, quyết định kháng nghị cấp giám đốc thẩm cũng đưa ra nội dung kháng nghị về phân chia tài sản ngân hàng của 2 vợ chồng ông Vũ và bà Thảo. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị hội đồng thẩm phán Tóa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm lại.

Trước đó, chiều 5-12, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM tuyên án vụ tranh chấp ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của cả 2 bên, chỉ chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, sửa một phần về án phí và thời gian cấp dưỡng.

Cụ thể, tòa phúc thẩm công nhận ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn, công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, giao bà Thảo nuôi các con chung, ông Vũ cấp dưỡng nuôi các con chung 10 tỷ đồng/năm từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.

Về tài sản là bất động sản, hội đồng xét xử tuyên chia đôi, ông Vũ được nhận 6 bất động sản, bà Thảo nhận 7 bất động sản và trả lại cho ông Vũ tiền chênh lệch. Về tài sản là vàng, ngoại tệ, tiền Việt Nam trị giá hơn 2.000 tỷ đồng trong các ngân hàng, tuyên chia theo tỷ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%. Về tài sản là cổ phần tại các công ty, bản án chia theo tỷ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%.

Theo bản án, ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần của các công ty và đưa tiền lại cho bà Thảo. Về án phí dân sự, bà Thảo phải đóng hơn 3 tỷ đồng, ông Vũ phải đóng hơn 4 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục