Kiên quyết chống tội phạm có tổ chức

Một số băng nhóm tội phạm liên quan đến an ninh trật tự nổi cộm vừa bị điều tra xử lý, đặc biệt là băng nhóm Đường Nhuệ (ở Thái Bình) và Loan Cá (ở Đồng Nai). 

Đây là 2 trong số các băng nhóm tội phạm hoạt động khá lâu, có tổ chức khá chặt chẽ, tạo nên chân rết rộng, có liên quan đến nhiều người, được thể hiện bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khá tinh vi, phức tạp.

Hiện nay, các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động ngày càng nhiều, biến tướng dưới nhiều hình thức, mức độ tác động rộng rãi và hậu quả gây ra cho xã hội không nhỏ. Các hình thức lừa đảo dưới dạng góp vốn đầu tư, sử dụng mồi nhử chủ yếu là dự án bất động sản được cho là khả năng lợi nhuận cao, chủ đầu tư có nhiều cam kết…; hoặc bán hàng đa cấp trá hình để thu hút người đầu tư bỏ vốn chuyển nhượng, đặt cọc, nhưng thực chất là mua các sản phẩm ảo hoặc các sản phẩm có giá trị rất thấp nhưng được hét với giá rất cao. Các doanh nghiệp, tổ chức đòi nợ thuê có quy mô lớn, núp bóng dưới danh nghĩa các đơn vị cung cấp dịch vụ, nhưng quá trình thực hiện thì lộ nguyên hình là các băng nhóm giang hồ, sẵn sàng sử dụng bạo lực hoặc đe dọa sử dụng bạo lực để ép buộc con nợ, người thân con nợ phải trả tiền...

Hoạt động tội phạm có tổ chức có một số đặc điểm chủ yếu: về danh nghĩa thường được che đậy bằng những hình thức hợp pháp, các thỏa thuận giao dịch được hợp thức hóa (hoạt động cho vay nhưng ẩn dưới hình thức mua bán, cầm cố tài sản, lãi suất cao nhưng ghi trên giấy tờ thì lại rất thấp, thu phí bảo kê nhưng dưới hình thức đóng góp từ thiện…), luôn gắn liền với yếu tố bạo lực (khi cần, bọn tội phạm sẵn sàng sử dụng bạo lực để dằn mặt hoặc gây tổn thất đến mức nạn nhân khiếp sợ phải chấp nhận cho chúng bóc lột), luôn có nhiều thủ đoạn đe dọa khiến nạn nhân ít khi dám báo với các cơ quan chức năng, thường có liên quan đến nhiều người, có khi đóng các vai trò khác nhau để dẫn dụ con mồi.

Thậm chí, trong một số trường hợp, không loại trừ có sự làm ngơ, kể cả tiếp tay của một số người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy công quyền. Hiện nay, thông qua không gian mạng, các loại tội phạm có tổ chức hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, hậu quả nặng nề hơn, khó thống kê đầy đủ nạn nhân nên khi phát hiện việc xử lý cũng gặp khó khăn hơn.

Để ngăn ngừa có hiệu quả các hoạt động tội phạm có tổ chức, cần tăng cường phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để nâng cao cảnh giác của người dân. Các đoàn thể ở địa phương cần tạo nhiều kênh hỗ trợ người dân được vay vốn để sản xuất, kinh doanh hoặc giải quyết các nhu cầu bức thiết, nhằm tránh phải đi vay nóng với lãi suất quá cao, khả năng vỡ nợ rất lớn. Các cơ quan quản lý không gian mạng cần có nhiều biện pháp sàng lọc để kịp thời phát hiện các trang mạng tổ chức hoạt động phi pháp (như bán sản phẩm ảo, đánh bạc, lừa đảo…), có hình thức kiểm tra ngay những tổ chức, cá nhân có các trang hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật… 

Các ngân hàng cần thiết lập nhiều hàng rào để cản trở việc lấy cắp tiền từ tài khoản hoặc chuyển tiền từ tài khoản này đến tài khoản khác có dấu hiệu bất minh, ngăn chặn những kẻ rút tiền từ trụ ATM có dấu hiệu khả nghi. Đồng thời, phải xem xét các quy định của pháp luật về xử lý các loại tội phạm có tổ chức, với những hành vi nào chế tài chưa đủ sức răn đe thì cần đề xuất sửa luật để có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn.

LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ 

Hàng tuần, vào chiều thứ ba, thứ năm (từ 14 giờ đến 16 giờ) và sáng thứ bảy (từ 8 giờ đến 11 giờ), tại phòng tiếp bạn đọc Báo SGGP, các luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Phan Trung Hoài, Văn phòng Luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM) sẽ trực tiếp tư vấn, giải đáp về pháp lý; các vấn đề liên quan đến pháp luật (hoàn toàn miễn phí). Kính mời bạn đọc có nhu cầu đến gặp luật sư, tại 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5 quận 3, TPHCM.  

                                                                                BAN CTBĐ - CTXH

Tin cùng chuyên mục