Phản hồi về vụ nuôi cá bè gây ô nhiễm nghiêm trọng hồ Dầu Tiếng

Kiên quyết giải tỏa hộ nuôi cá không tự giác di dời

Kiên quyết giải tỏa hộ nuôi cá không tự giác di dời

Sau khi báo SGGP khởi đăng bài viết phản ánh tình trạng nuôi cá bè tràn lan gây ô nhiễm nghiêm trọng hồ Dầu Tiếng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Châu đã trả lời phỏng vấn của phóng viên xung quanh vấn đề này.
 
- PV: Thưa ông, xin ông cho biết thực chất mức độ ô nhiễm nguồn nước tại hồ Dầu Tiếng hiện nay như thế nào?  

Kiên quyết giải tỏa hộ nuôi cá không tự giác di dời ảnh 1

Hồ Dầu Tiếng

-Ông NGUYỄN VĂN CHÂU: Tình hình nguồn nước tại hồ Dầu Tiếng trong năm 2004 đã được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II kết luận là bị ô nhiễm hữu cơ vùng trung và thượng lưu; lòng hồ bị nhiễm phèn, ảnh hưởng không tốt cho con người và cá. Nguyên nhân chủ yếu là do phát sinh nuôi cá bằng lồng bè nhiều, có thời điểm lên đến 1.208 lồng.

-Thưa ông, phải chăng chúng ta chưa có biện pháp mạnh hoặc một định hướng, kế hoạch dài hơi trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ nguồn nước tại lòng hồ Dầu Tiếng? 

-Năm 2004, do tình hình giá cả thuận lợi nên phát sinh một số hộ nuôi bằng lồng, bè tự phát quá nhiều, gây ô nhiễm môi trường nước. Trước tình hình trên, UBND tỉnh chỉ đạo tạm ngưng phát triển bè cá trong hồ Dầu Tiếng. Ngày 27-10-2004, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (có sự tham gia của các tỉnh bạn như Bình Dương, Bình Phước), kiểm tra tình hình nuôi cá, đào ao vùng bán ngập, khai thác cát và kiểm tra các nhà máy có chất thải vào hồ.

Riêng về nuôi cá bằng lồng bè, theo báo cáo của đoàn, có đến 213 hộ nuôi (1.208 lồng) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Đoàn công tác sau đó đã kiến nghị UBND tỉnh thông báo chấm dứt hoạt động nuôi cá bè. Tỉnh đã ra thông báo hạn chót đến ngày 30-6-2005 phải giải tỏa xong, trả lại hiện trạng ban đầu cho hồ Dầu Tiếng. Chúng tôi cũng đã thành lập đoàn công tác giải tỏa lồng bè cá trong hồ Dầu Tiếng, liên tục nhắc nhở người dân tự nguyện di dời lồng bè cá ra khỏi khu vực này. Sau 4 lần kiểm tra, đến nay trên lòng hồ còn 124 hộ với 626 lồng. Trong thời gian tới, việc giải tỏa, di dời các hộ nuôi cá bè ra khỏi hồ Dầu Tiếng sẽ được thực hiện kiên quyết, dứt điểm. 

- Theo kế hoạch, đến ngày 31-12 là thời hạn cuối cùng để các hộ nuôi cá bè di dời ra khỏi hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên nhiều hộ cố tình dây dưa, cho rằng đã “lỡ” thả giống. Tỉnh có gia hạn việc này?

- Đến nay, ngoài những hộ đã tự giác di dời, UBND huyện Dương Minh Châu đã ra quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo đối với 96 hộ - hiện đã có 30 hộ chấp hành quyết định xử phạt còn 60 hộ phải cưỡng chế. Huyện Tân Châu xử phạt 41 hộ, có 11 hộ chấp hành, 30 hộ phải cưỡng chế. Riêng huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương còn 28 hộ chưa có quyết định xử phạt.

Để hoàn chỉnh các thủ tục cưỡng chế di dời theo quy định và tránh thiệt hại cho người dân, chúng tôi đã chỉ đạo tiếp tục lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính những hộ vẫn cố tình “bám trụ” lòng hồ cho đến ngày 31-12. Do số hộ dân đang “bám trụ” trên hồ, là những hộ cố tình không chấp hành việc chấm dứt nuôi cá trong hồ sau khi thu hoạch, nên tỉnh không có chủ trương hỗ trợ di dời, gia hạn để khai thác cá bè đã “lỡ” thả giống. UBND tỉnh chỉ đạo kiên quyết cưỡng chế giải tỏa lồng bè sau ngày 1-1-2006.

- Thưa ông, nguồn nước hồ Dầu Tiếng ô nhiễm thì không chỉ người dân Tây Ninh mà người dân TPHCM, Bình Dương, Bình Phước cũng bị ảnh hưởng. Nhất là khi TPHCM đang triển khai dự án lấy nước hồ Dầu Tiếng để hòa mạng cấp nước sinh hoạt của thành phố vào năm 2007. Xin ông cho biết quan điểm của lãnh đạo tỉnh về việc này?
 
-Tây Ninh đã xây dựng “Kế hoạch sử dụng nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân”. Ngoài việc kiên quyết giải tỏa các hộ nuôi cá bè, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tiến hành thả cá vào hồ nhằm tận dụng các phiêu sinh vật, xử lý mùn bã hữu cơ, giữ môi trường trong sạch nước hồ Dầu Tiếng phục vụ lâu dài cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Dự kiến năm 2006 dung tích hữu ích của hồ Dầu Tiếng đạt khoảng 869 triệu m3 với mục tiêu bảo vệ môi trường nước và phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu. Chúng tôi đã có kế hoạch phục vụ các đối tượng sau: Cấp nước vụ đông xuân, trong đó sản xuất nông nghiệp là 53.000ha (Tây Ninh 43.000ha, TPHCM 10.000ha) tương đương 424 triệu m3 và nước cho sinh hoạt, công nghiệp là 130 triệu m3; cấp nước cho vụ hè thu khoảng 241 triệu m3. 
 
-Xin cảm ơn ông. 

ĐOÀN HIỆP-NGUYỄN VINH

Tin cùng chuyên mục